Hướng đến năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển du lịch theo từng cụm, các cụm này sẽ tập trung liên kết phát huy các loại hình du lịch phong phú đa dạng, do đó, việc đổi mới, nâng cao chất du lịch đã được các địa phương bắt tay ngay từ bây giờ.
An Giang đổi mới trong hoạt động du lịch lễ hội
|
An Giang là tỉnh biên giới, vừa có đồng bằng vừa có miền núi, nổi tiếng với vùng Bảy Núi thiêng liêng, huyền bí, có Phật Di lặc lớn nhất cả nước cao 36m trên đỉnh Núi Cấm và quần thể di tích cấp quốc gia Núi Sam với Lăng Thoại Ngọc hầu, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Chùa Hang được tỉnh gắn với phát triển du lịch bằng mô hình du lịch tâm linh tín ngưỡng đứng đầu các tỉnh phía nam, thu hút mỗi năm trên 5 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến hành hương, tham quan, tìm hiểu.
Rút kinh nghiệm của các năm trước, tỉnh An Giang đang triển khai kế hoạch cùng với thị xã Châu Đốc tổ chức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra kiểm soát giá, niêm yết giá cả thị trường; bảo vệ an ninh biên giới phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng mùa lễ hội... Tại các cửa ngõ ra vào tỉnh bằng đường thủy (tại hai bến Long Xuyên - Đồng Tháp, Long Xuyên - Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh miền Đông Nam bộ) bố trí 16 phà từ 100 - 200 tấn để đưa rước khách qua sông và đường bộ cũng bố trí tuyến xe buýt từ Lộ Tẻ (giáp ranh Long Xuyên - Kiên Giang, Long Xuyên Cần Thơ - các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) đến các khu điểm du lịch hành hương Núi Sam, Núi Cấm với phương châm phục vụ "Trật tự - an toàn - lịch sự - văn minh".
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong tháng 2 tỉnh đã thu hút gần 800 nghìn du khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến tham quan du lịch và hành hương, tăng gấp 4,37 lần so tháng 1/2013.
Trong đó khách lưu trú tăng 4,6% và du khách quốc tế tăng 1,8%, đạt tổng doanh thu trên 24 tỷ đồng, tăng 7,8% so tháng trước. Các điểm du lịch của An Giang đã chủ động đầu tư nhiều mô hình phục vụ thiết thực gắn với tết cổ truyền của dân tộc để du khách trong nước và đặc biệt là du khách quốc tế tìm hiểu phong tục tết và thưởng thức các món ăn gắn với ngày tết cổ truyền quan trọng của dân tộc Việt Nam. Các chùa chiền, am cốc còn phối hợp với địa phương tổ chức nơi đậu đỗ, trông giữ xe, tài sản cho khách đảm bảo trật tự, an toàn, tạo điều kiện cho du khách khi đến hành hương lễ Phật.
Bên cạnh đó 12 nhà hàng, khách sạn lớn trong tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi như giảm giá phòng cho du khách, tổ chức các món ngon Nam bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động du lịch
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và còn là nơi hội tụ của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa với những nét văn hoá đa dạng, đặc sắc, có nhiều lễ hội, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng… Hiện, Sóc Trăng có 37 khách sạn, gồm 1 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 13 khách sạn 1 sao... sẵn sàng phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch. Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước và thuyết minh viên về du lịch, lớp phục vụ bàn và lớp lễ tân cho cán bộ, nhân viên đang phục vụ trong các công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng, vườn ẩm thực, quán ăn và các điểm du lịch trong tỉnh.
Sóc Trăng có nhiều điểm du lịch thú vị, hàng năm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, bởi một số điểm du lịch hấp dẫn như: chùa Dơi, chùa Ðất Sét, chùa Khleng, chùa Chén Kiểu, vườn cò Tân Long, Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước… Thế mạnh của tỉnh là có địa bàn đa dạng gồm đất liền, cù lao, sông nước, biển cả; các di tích lịch sử, văn hoá, các kiến trúc chùa chiền; nền văn hoá đặc sắc của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, cùng các lễ hội truyền thống hàng năm… Hiện nay, nhiều dự án du lịch của Sóc Trăng đã được đầu tư như: Khu du lịch Nhà hàng - Khách sạn Satraco; tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo; cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước, dự án Khu du lịch Song Phụng và Khu du lịch sinh thái Hồ Bể. Ngoài ra, dự án Khu du lịch Mỏ Ó và Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cù Lao Dung cũng được một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm tìm hiểu.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Sóc Trăng cũng đã và đang được đẩy mạnh. Theo đó, trong năm 2013, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt kết hợp với các điểm du lịch, khu du lịch cũng như các địa phương nâng cao chất lượng điểm đến du lịch, xây dựng những sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết kêu gọi các công ty lữ hành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như thành phố Hồ Chí Minh và một số công ty trong cả nước đưa khách về Sóc Trăng, có sự kết nối tuyến - tour và giới thiệu sản phẩm, giới thiệu các cơ sở lưu trú đạt chất lượng về phục vụ du khách.
Để đẩy mạnh hoạt động du lịch cần phát triển tour - tuyến du lịch, chú trọng công tác liên kết hợp tác; liên kết với các địa phương để làm phong phú, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, liên kết giữa các nhà đầu tư và đơn vị lữ hành nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn, mức độ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và mối liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với du khách được xem là hạt nhân của sự tồn tại và phát triển du lịch. Ngoài vấn đề trên, cần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, trong đó nhân tố con người và văn hoá giao tiếp cũng là yếu tố quan trọng.
Bên cạnh việc phát huy tốt bản sắc văn hoá và thế mạnh du lịch, cần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên làm công tác này. Mặt khác, các điểm lưu trú du lịch cần đầu tư cơ sở vật chất phù hợp, thuận tiện, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và cũng cần có chính sách khuyến khích - hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Bạc Liêu xây dựng phong cách du lịch văn minh
Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu vừa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận 2 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực, đó là khu du lịch sinh thái Hồ Nam và khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cả hai điểm du lịch này đều nằm trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.
Tại thành phố Bạc Liêu, nhiều điểm du lịch trên địa bàn thành phố những năm qua là tâm điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đó là các điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trên địa bàn như: cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu Quán âm Phật đài đã được đầu tư, nâng cấp để phục vụ du lịch. Thành phố Bạc Liêu cũng đã tiến hành trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa như Đồng hồ đá Thái Dương, bảo dưỡng cây xoài cổ.
Phát triển du lịch sinh thái tuy chỉ mới ở giai đoạn khởi động nhưng cũng là một tín hiệu khả quan cho du lịch thành phố Bạc Liêu. Trong đó, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam với những tiêu chuẩn đủ tầm đã được chứng nhận điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long là một minh chứng. Bên cạnh đó, còn là sự khởi động của các dự án như khu nghỉ dưỡng Rồng Việt ven biển, khu nghỉ dưỡng Nhà Mát, nâng cấp mở rộng vườn chim Bạc Liêu. Hiện thành phố Bạc Liêu cũng đang xúc tiến việc phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch quy hoạch tuyến du lịch Nhà Mát - Gành Hào.
Sau khi tổ chức những tuyến du lịch “thử nghiệm”, thành phố Bạc Liêu cũng đã chuẩn bị tốt các điều kiện để hình thành tua du lịch trên sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo, đây là một mô hình du lịch trên sông thưởng thức những đặc sản sông nước rồi nghe đờn ca tài tử. Mô hình du lịch này hứa hẹn sẽ thu hút được khách du lịch quan tâm trong thời gian tới.
Với một Nghị quyết chuyên về du lịch cho thấy quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố Bạc Liêu không chỉ tập trung đầu tư cho những điểm du lịch, mà còn quan tâm đến việc phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch, xây dựng phong cách văn minh, lịch thiệp, hiếu khách của người Bạc Liêu qua phong trào “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.