Hiện Ninh Bình có hơn 800 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có gần 80 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cùng với 114 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng đậm chất dân gian. Các di sản văn hoá, lễ hội ở Ninh Bình đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các lễ hội đầu xuân như lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương…
Ninh Bình được biết đến như một nước Việt Nam thu nhỏ bởi nơi đây hội tụ đủ các dạng địa hình đồng bằng, miền núi, miền biển và từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Hiện Ninh Bình có hơn 800 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có gần 80 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cùng với 114 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng mang đậm chất dân gian. Các di sản văn hoá, lễ hội ở Ninh Bình đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các lễ hội đầu xuân như lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương…
Khởi đầu cho hành trình du xuân năm mới trên đất Ninh Bình, du khách sẽ được tìm về cõi Phật linh thiêng, hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội chùa Bái Đính, một trong 10 điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất Việt Nam.
Đây là một lễ hội lớn và kéo dài nhất trong năm của tỉnh, khai hội từ ngày 6 tháng giêng tới hết tháng ba âm lịch. Về với lễ hội chùa Bái Đính, du khách được chiêm ngưỡng các công trình Phật giáo đồ sộ nhất Việt Nam, thắp nén tâm nhang kính dâng Phật Tổ, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Đồng thời tham gia vào các trò chơi dân gian, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát chèo, xẩm, ca trù đất Cố đô.
Tuy nhiên, nói đến Ninh Bình, không thể không nhắc đến Cố đô Hoa Lư, kinh đô của nước Việt từ năm 968 đến năm 1010 với ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý. Hiện nay nơi đây còn nhiều dấu tích ở rải rác các làng Yên Thượng, Yên Thành và Chi Phong thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Cách đây vài năm, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật dưới tầng đất giữa hai đền thờ vua Đinh và vua Lê, vốn khi xưa là nền cung điện cách đây hơn 1.000 năm nhiều hiện vật quý giá như gạch "Đại Việt Quốc quân thành chuyên", gạch "Giang Tây quân", gạch có trang trí hoạ tiết hình hoa sen và đôi chim phượng. Xung quanh 2 ngôi đền Đinh, Lê còn có nhiều di tích khác có niên đại từ lâu đời như đền thờ Công chúa Phất Kim, cột đá Đinh Liễn, các tấm bia bằng đá ở Núi Hồ, Cầu Dền...
Với vùng bảo vệ đặc biệt 300 ha của Cố đô Hoa Lư, trong đó đã chứa đựng biết bao các di tích lịch sử ghi nhận dấu chân của người tiền sử gắn liền với công lao dựng nước và giữ nước của cha ông.
Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư diễn ra tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng ba âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc, tiêu biểu là vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, những người có công xây dựng và bảo vệ nước Việt thủa ban đầu.
Trong dịp lễ hội, nhiều tích cổ gắn liền với cuộc đời vua Đinh Tiên Hoàng từ thủa thiếu thời cờ lau tập trận, dẹp loạn 12 sứ quân đến khi lên ngôi Hoàng đế sẽ được tái hiện...
Lễ hội đền Thái Vi cũng là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất cố đô. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng ba âm lịch hàng năm, đây là dịp tưởng nhớ công ơn các vua Trần và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu, người đã lập ra hành cung Vũ Lâm, một cứ địa trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285). Lễ hội có hai phần: phần lễ gồm rước kiệu và tế lễ; phần hội tổ chức các trò chơi dân gian như múa rồng, múa lân, cờ người…
Cũng trong tiết xuân ấm áp du khách có thể về thăm đền Trần - một trong Hoa Lư tứ trấn bảo vệ kinh thành Hoa Lư năm xưa, để cùng hòa mình vào lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương (lễ hội đền Trần). Lễ hội được tổ chức thường niên vào tháng ba âm lịch trong khu Quần thể danh thắng Tràng An để tri ân đức Thánh Quý Minh Đại Vương.
Theo truyền thuyết, Thánh Quý Minh Đại Vương là vị tướng đã được phong Thánh, có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18).
Đền Trần (Khu du lịch Tràng An) được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X và cũng là nơi vua Trần Thái Tông, sau khi dẹp giặc Mông xâm lược (1258), vào tu hành. Đây là lễ hội đặc sắc trên sông vì để tới được đền Trần thực hiện lễ tế, du khách phải vượt qua 5 km dòng sông Sào Khê, xuyên qua 11 hang động và leo hơn 3 km đường núi…
Ngoài những lễ hội du xuân, Ninh Bình còn nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra trên khắp các địa phương trong tỉnh như: Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn (ngày 12 đến 14 tháng 9 âm lịch) để tưởng nhớ thiền sư Nguyễn Minh Không; Lễ hội Yên Cư (ngày 20 tháng 8 âm lịch) tưởng nhớ Đức thánh Trần Hưng Đạo, phu nhân và các Quận chúa; Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (ngày 13 đến 15 tháng 11 âm lịch) tưởng nhớ công ơn của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ, người đã khai sinh ra vùng đất Kim Sơn…
Mỗi lễ hội trên đất Ninh Bình đều mang hương sắc riêng và là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, góp phần giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.
Có thể nói, việc thúc đẩy du lịch tại các điểm di tích văn hoá như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Đền Trần, Đền Thái Vi… cũng như các điểm du lịch khác trong tỉnh có ý nghĩa quan trọng không chỉ của riêng Ninh Bình mà còn đối với hoạt động của trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, theo trục lịch sử Hoa Lư - Thăng Long.
Tuy nhiên, để khai thác và phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa của địa phương thì du lịch Ninh Bình cần có hướng đi tốt trong vấn đề bảo tồn các di sản hiện có.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục phó Cục Di sản văn hoá - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: “Việc khai thác những di sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để phát triển du lịch văn hóa những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Như di sản Quần thể danh thắng Tràng An, hoạt động du lịch mới dừng ở khai thác các giá trị tự nhiên, gần như chưa đi vào chiều sâu các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch; các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, tham quan vãn cảnh của người dân, việc khai thác hàm lượng văn hóa trong các di sản để phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng. Một số khu di tích trọng điểm của tỉnh, ngoài chùa Bái Đính và Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thì các khu di tích còn lại đều ít người biết đến, trừ các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa và người dân trên địa bàn...
Thiết nghĩ, Ninh Bình cần xây dựng một chiến lược lâu dài, gắn liền việc bảo tồn, tôn tạo với khai thác phát huy giá trị các di sản văn hóa để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Có vậy, những di sản văn hóa giàu có của tỉnh nhà mới được “đánh thức”, phục vụ xu hướng phát triển du lịch bền vững thời gian tới đây.