Tối 16/3, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với một số nghệ sĩ cải lương, trong đó có sự tham gia của NSND Ngọc Giàu đến từ Việt Nam và nghệ sĩ Hương Thanh, Việt kiều sống tại Pháp,… nhằm giới thiệu với bạn bè Pháp và quốc tế nghệ thuật ca kịch cổ truyền này của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã cảm ơn các nghệ sĩ đã cố gắng đưa cải lương đến với công chúng tại Paris.
Điểm qua quá trình hình thành và phát triển của môn nghệ thuật truyền thống cải lương, ông Lê Hồng Chương khẳng định tuy "sinh sau đẻ muộn" vào những năm đầu thế kỷ 20, khi cải lương được hình thành trên cơ sở âm nhạc cổ truyền Việt Nam và dân ca vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong một thời gian rất ngắn, cải lương đã có bước tiến rất dài, đi sâu vào lòng người dân Việt và đã trở thành môn nghệ thuật truyền thống vững chắc trong kịch nghệ Việt Nam.
Không chỉ tồn tại và lưu giữ bằng hình thức "cha truyền con nối" từ thế hệ này sang thế hệ khác, với nhiều thử thách của thời gian, cải lương đã trở thành một trong những bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, nhất là người dân Nam Bộ. Trên thực tế, cải lương mỗi ngày một phát triển không chỉ ở Việt Nam mà đã vượt biên giới đến với bè bạn Pháp và nhiều nơi trên thế giới.
Trước đó, bộ môn nghệ thuật này cũng đã được giới thiệu với công chúng Pháp trong hai đêm 8 và 9/3 tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet ở trung tâm thủ đô Paris. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật cải lương được trình diễn tại bảo tàng này, với sự có mặt của ông Hubert Laot, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng. Theo ông Laot, cải lương là một loại hình nghệ thuật thú vị, sinh ra từ làng xã Việt Nam, phản ánh nền văn minh lịch sử của Việt Nam qua nhiều giai đoạn, cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Đến với đêm giao lưu, nghệ sĩ Ngọc Giàu, vốn được đánh giá là "báu vật sống của quốc gia", đã cùng nghệ sĩ Hương Thanh trình bày các trích đoạn của một số tác phẩm ca kịch nổi tiếng như "Dạ cổ hoài lang", "Hát ru",…. Bằng giọng ca kỹ thuật cao và điêu luyện, truyền cảm và sâu lắng, các nghệ sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe nhất là bạn bè Pháp và quốc tế - những người rất say mê và muốn tìm hiểu về châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt với một loại hình nghệ thuật quý giá và hiếm có như cải lương.
Theo chương trình, chiều 17/3, bộ môn nghệ thuật truyền thống này được biểu diễn tại Nhà hát Victor Hugo ở Bangeux, ngoại ô Paris, và sẽ tiếp tục được biểu diễn trong khuôn khổ Tuần lễ Kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam 1973 tại thành phố Choisy-Le-Roi, từ ngày 19-26/3.