(TITC) - Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2013, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố và UBND các quận, huyện tổ chức Lễ hội du Xuân Hải Phòng. Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện của Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, lễ hội Xuân truyền thống Tràng Kênh - Bạch Đằng, lễ hội Dương Kinh nhà Mạc, lễ hội truyền thống núi Voi Xuân Quý Tỵ, lễ hội Từ Lương Xâm, lễ hội đền Nghè – nữ tướng Lê Chân…
Đến với lễ hội du Xuân Hải Phòng, du khách không chỉ được tham quan các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố mà còn được tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của từng địa phương.
|
Khu di tích đền Trạng Trình |
Mở đầu là Lễ hội kỷ niệm 427 năm ngày mất của Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1586 – 2013) diễn ra từ ngày 8 đến 10/1/2013 (tức từ ngày 27 đến 29 tháng 11 năm Nhâm Thìn) tại khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hội chợ sinh vật cảnh; giải vật truyền thống, thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ tướng, cờ người; hội thi “chọn người hiền tài”; múa rối cạn, rối nước, pháo đất… Đặc biệt, phần lễ gồm lễ Mộc dục, lễ rước văn, lễ cáo yết, lễ dâng hương… diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Sáng 15/2/2013 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ), nhân dân thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) tưng bừng mở Lễ hội truyền thống Tràng Kênh - Bạch Đằng tại đền Trần Quốc Bảo. Lễ hội nhằm kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (1288 - 2013) và tưởng nhớ vị anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Bảo – người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong trận Bạch Đằng năm 1288. Phần lễ bao gồm lễ rước kiệu thần, cáo yết, dâng hương và lễ tế. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa, thể thao như: bóng đá, cờ tướng, bóng chuyền, kéo co…, đặc biệt là hội thi hát Đúm được tổ chức trên địa bàn 3 xã: Lập Lễ, Phả Lễ và Phục Lễ.
Bên cạnh việc tham dự lễ hội Tràng Kênh - Bạch Đằng, du khách thập phương còn đến dâng hương, lễ Phật tại cụm di tích gắn với các danh nhân và chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng gồm: đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ Lê Đại Hành, đền thờ Ngô Quyền và Tràng Kênh Trúc Lâm Tự tại thị trấn Minh Đức.
Lễ hội Dương Kinh nhà Mạc diễn ra từ 15 đến 17/2/2013 (tức mùng 6 đến 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ) tại khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) với nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc, đặc biệt là lễ khai bút đầu năm nhằm giáo dục ý thức học tập, rèn luyện cho thế hệ trẻ. Trong khuôn khổ lễ hội còn có chương trình Ngày thơ Việt Nam, chương trình văn nghệ với vở chèo cổ Lưu Bình - Dương Lễ, giải cờ tướng, các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố...)
Tối ngày 22/2/2013 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Tỵ), tại 2 xã An Tiến và Trường Thành (huyện An Lão) đã diễn ra Lễ hội truyền thống núi Voi Xuân Quý Tỵ 2013 nhằm tôn vinh, tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc có công với đất nước. Mở đầu lễ hội là nghi thức tế lễ trang nghiêm tại đền thờ nữ tướng Lê Chân. Các hoạt động Phật giáo của lễ hội diễn ra tại chùa Long Hoa và Linh Sơn (thuộc thôn Chi Lai). Phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, cờ tướng, thi nấu cơm, cắm hoa, bóng chuyền…
Một trong những lễ hội được du khách đặc biệt quan tâm là Lễ hội Từ Lương Xâm kỷ niệm 1.075 năm chiến thắng Bạch Đằng (938 – 2013) và 1.069 năm ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền (944 – 2013) được tổ chức từ ngày 25 đến 27/2 (tức từ 16 đến 18 tháng Giêng) tại phường Nam Hải, quận Hải An. Lễ hội thu hút du khách với các trò chơi mang đậm nét truyền thống và bản sắc văn hóa của người Việt như: múa Lân, đập niêu, nhảy bao bố, đu tiên, kéo co, diễn xướng chầu văn tại nhà thờ Mẫu... cùng với các nghi lễ mang tính tâm linh sâu sắc như: lễ mộc dục, mệnh bái – tế chính, tế tạ - an vị...
Từ ngày 16 đến 18/3/2013 (tức từ ngày mùng 5 đến 7/2 năm Quý Tỵ), tại quần thể khu di tích nữ tướng Lê Chân (bao gồm đền Nghè, đình An Biên, Quảng trường tượng đài nữ tướng – quận Lê Chân) diễn ra Lễ hội đền Nghè - nữ tướng Lê Chân nhằm tri ân công đức to lớn của nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng ngày nay. Phần lễ bao gồm lễ cáo yết, dâng hương, rước, tế nữ quan và lễ tạ. Phần hội gồm: biểu diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi; thi cắm tỉa hoa; hát ca trù, chèo cổ, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc; biểu diễn lân sư rồng, trống hội, các tiết mục văn nghệ (ca cảnh chèo, hợp ca…).
Lễ hội du Xuân Hải Phòng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự, góp phần quảng bá Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hải Phòng.
Phạm Phương