Thống nhất, đồng bộ để phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung
Cập nhật: 19/03/2013
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung diễn ra trong hai ngày 21 và 22-3-2013 sẽ là cơ hội để 9 tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, khác với nhiều hội nghị xúc tiến được tổ chức trước đây, hội nghị lần này sẽ xây dựng một kế hoạch xúc tiến đầu tư mang tính thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương trong vùng. Qua đó kêu gọi, lựa chọn, thu hút các dự án đầu tư có ngành nghề và hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển của toàn vùng nói chung cũng như từng địa phương nói riêng.

Những năm gần đây, các tỉnh, thành trong khu vực đã có nhiều nỗ lực, chủ động khai thác các lợi thế của mình để thu hút đầu tư. Kết quả mang lại khá ấn tượng với sự tăng trưởng và phát triển nhanh của một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam... Song, sự phát triển đó chưa thực sự bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh tài nguyên phong phú, đa dạng của từng địa phương. Sự phát triển chưa bền vững còn thể hiện ở chỗ nhiều địa phương vẫn còn tình trạng “mạnh ai, nấy làm”. Việc kêu gọi và ưu đãi đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp và liên kết, chưa có bước phát triển đột phá..., từ đó chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và hiệu quả thấp.

Vì vậy, để khắc phục những vấn đề trên, các địa phương trong vùng đã thống nhất về sự cần thiết và trước hết là tập trung xây dựng, thực thi các chính sách và cơ chế liên kết phát triển của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững và thống nhất, đồng bộ trong khu vực. Hội nghị lần này là diễn đàn trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung.

Theo Ban tổ chức hội nghị, một trong những tiêu chí quan trọng mà các địa phương duyên hải miền Trung hướng đến là cần cải thiện môi trường đầu tư và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường liên kết hợp tác để cùng phát triển. Qua đó, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhưng so với tiềm năng của vùng, việc thu hút đầu tư ở các lĩnh vực trên còn khá khiêm tốn, chưa thật sự tác động đến phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của vùng. Với mong muốn vùng duyên hải miền Trung phát triển bền vững, “tăng trưởng xanh” thay thế sự “tăng trưởng nóng” trước đây để từng bước hội nhập quốc tế sâu hơn trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển chung, vùng duyên hải miền Trung cũng cần có giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào vùng. Và để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển và thu hút đầu tư hiệu quả nên có những chiến lược dài hạn, đúng và sát với thực tiễn; nhất là việc tập trung kêu gọi đầu tư; tạo bước chuyển biến mạnh trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực có định hướng. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư; có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch, thương mại... trên cơ sở thống nhất, đồng bộ.

Dịp này, dự kiến thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức một buổi tọa đàm và chào mời một số dự án đầu tư vào khu Công nghệ cao (KCNC), khu Công nghệ thông tin tập trung (KCNTTTT)... Với các chính sách thông thoáng, cởi mở và nhiều ưu đãi, Đà Nẵng kỳ vọng ở hội nghị xúc tiến đầu tư lần này sẽ đem lại một cú hích lớn trong công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư của thành phố, đặc biệt là đầu tư vào KCNC và KCNTTTT, tạo đà cho Đà Nẵng vừa phát triển nhanh, sạch, bền vững vừa phục vụ mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

Báo Đà Nẵng