Long Hồ (Vĩnh Long) phát triển bền vững mô hình du lịch sinh thái
Cập nhật: 03/04/2013
Rất nhiều du khách khi đến Long Hồ (Vĩnh Long) đều cho rằng, với phong cảnh sông nước mênh mông, cù lao xanh quanh năm hoa thơm, trái ngọt là địa điểm tham quan nghỉ dưỡng lý tưởng.

Phát huy thế mạnh

Huyện Long Hồ có 4 xã cù lao (An Bình, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú) nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, khí hậu quanh năm mát mẻ rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và du lịch sông nước. Đây còn là nơi thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL. Từ những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, trong những năm qua, huyện Long Hồ đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch miệt vườn gắn với nuôi trồng thủy sản.

Mục tiêu chung về phát triển du lịch của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2010- 2015 là: “Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề… lượng khách tăng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2010- 2015”. Để đạt mục tiêu đó, Đảng bộ huyện Long Hồ đã có nhiều giải pháp cụ thể thúc đẩy du lịch phát triển. Hiện huyện Long Hồ đang chiếm trên 90% các điểm du lịch, lượng khách và doanh thu ngành du lịch của tỉnh.

Toàn huyện có tổng số 21 cơ sở lưu trú- du lịch, trong đó: 17 cơ sở có lưu trú (homestay); 4 cơ sở kinh doanh ăn uống, du lịch (không có lưu trú) được phân bố trên địa bàn 4 xã cù lao. Du khách đến đây rất thích thú với nét độc đáo riêng có của xứ cù lao. Đó là nông dân- nhà vườn làm du lịch, có sản phẩm sẵn có từ thiên nhiên phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, đã có những nhà đầu tư lớn vào du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách như đi xem động vật quý hiếm, tham gia các trò chơi giải trí: câu cá, tát mương vườn bắt cá tôm, câu cá sấu, cưỡi đà điểu, đi du thuyền, tắm sông…

Một số nơi đã trở nên quen thuộc với du khách. Bình Hòa Phước với Làng mai vàng Phước Định, vườn du lịch sinh thái theo loại hình “homestay” của các ông Ba Hùng, Mai Quốc Nam, Mười Hưởng, Nhà cổ ông cai Cường. Khách du lịch có thể thực hiện tour trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nông dân tại địa phương theo kiểu “Tây ở nhà ta”… Đồng Phú có Khu du lịch trang trại nuôi trồng thủy sản Mêkông– Đồng Phú để khách có thể câu cá giải trí, trong các kinh rạch nhỏ và sử dụng “chiến lợi phẩm” để lai rai vài ly rượu đế, cùng bè bạn ngắm cầu Mỹ Thuận lúc hoàng hôn…

Hòa Ninh có vườn du lịch bà Bảy Thời, vườn ươm cây giống đặc sản của ông Tám Hổ, nhà sàn ông Mười Ðầy phù hợp với loại hình du lịch thư giãn, được các công ty lữ hành chọn làm điểm dừng trong chuyến tham quan bằng thuyền và là nơi phục vụ ăn trưa hoặc nghỉ qua đêm trong các chương trình tour “Ði trong màu xanh ĐBSCL”. Ngoài ra, còn có vườn cảnh bon sai của ông Sáu Giáo mà sau khi tham quan còn có dịp thưởng thức món cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng rất ấn tượng đối với du khách nước ngoài, giúp họ hiểu thêm nét văn hóa ẩm thực dân dã của vùng đất Nam Bộ. An Bình có các điểm tham quan du lịch như: vườn mận Ngọc Lý, vườn chôm chôm ông Chín Cần...

Ngoài ra, du khách có thể đến tham quan chùa Tiên Châu, ngay bên cạnh bến phà An Bình, nghiên cứu nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia.

Nói đến xã An Bình phải kể đến Khu du lịch trang trại Vinh Sang đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn là một trong 4 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2009, với các trò chơi cảm giác mạnh như tự mình nhử mồi câu cá sấu giúp người chơi có thể hình dung cả một hành trình khai phá thiên nhiên của vùng đất Nam Bộ hoang sơ cách đây vài trăm năm, cưỡi đà điểu, tập đi cầu khỉ, chơi xe trượt cỏ, đi xe đạp dạo quanh đường làng, chèo xuồng bên những con rạch, giăng lưới, chài cá hoặc be bờ tát mương bắt cá...

Những con cá nước ngọt tươi rói sẽ càng hấp dẫn hơn khi du khách tự tay mình chế biến món cá nướng, thưởng thức ngay tại vườn và nhâm nhi với ly rượu nếp đậm đà hương vị đồng quê, hòa mình vào nếp sống dân dã của người dân miền sông nước và được nghe những làn điệu vọng cổ mượt mà qua loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ...

Cần bước đột phá

Những nét riêng vốn có của đất địa Long Hồ đã thu hút số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng hàng năm. Chỉ trong năm 2011, lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái của huyện tăng trên 20% (hơn 210.000 lượt khách trong và ngoài nước). Tổng doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng/năm. Tuy thuận lợi nhưng địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn khi phát triển ngành nghề du lịch mang tính cộng đồng. Do đa số người kinh doanh ngành nghề du lịch ở đây là kiêm nghề nông, làm vườn nên thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm du lịch chưa được nâng cao, đổi mới chưa nhiều nên khó có thể giữ chân lâu du khách. Long Hồ đang gặp khó khăn trong việc đầu tư vào những cụm, điểm quy mô lớn, mang tính chuyên nghiệp. Việc quảng bá du lịch miệt vườn chưa được sâu, rộng đến với du khách. Cùng với đó là hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ chưa đảm bảo điều kiện để đưa đón khách, có những tuyến đường còn nhỏ hẹp, kênh rạch bị bồi lắng khiến cho tàu, thuyền khó lưu thông khi nước cạn. Cũng như nhiều địa phương khác, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch ở Long Hồ chưa được đào tạo cơ bản nên khó có thể đưa du lịch lên chuyên nghiệp hóa trong tương lai gần, chưa tạo được những nét đặc trưng riêng hấp dẫn du khách.

Để có bước đi đột phá cho một ngành du lịch đầy tiềm năng, Đảng bộ huyện Long Hồ đã đưa ra nhiều mục tiêu giải pháp cụ thể; đầu tư phát triển cụm du lịch, điểm du lịch theo quy hoạch của tỉnh; khai thác sản phẩm du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư; khuyến khích các nhà vườn nâng cấp các điểm du lịch hiện có, đồng thời có sự hợp tác giữa các nhà làm du lịch trong tỉnh và liên kết với các địa phương khác. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch, từng bước nâng cao từ kỹ năng, chất lượng phục vụ của những người làm du lịch, sản phẩm du lịch đến việc chế biến món ăn sao cho đúng hương vị, đặc trưng của vùng cù lao sông nước. Khi phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch ven sông Cổ Chiên và sông Tiền phải đảm bảo môi trường, tạo sự gắn kết để phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, giúp cho cây ra hoa, quả trái vụ, để quanh năm có sản phẩm phục vụ du lịch và tăng thu nhập cho nhà vườn. Song song với đó, địa phương chú trọng kêu gọi việc phát triển cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú du lịch (homestay), đầu tư trang bị phương tiện vận chuyển khách. Tập trung nâng cấp các tuyến đường, nạo vét các sông, rạch bị bồi lắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến điểm du lịch nhưng phải giữ được cảnh quan của sông nước, làng mạc.

Long Hồ mong muốn tỉnh sớm hỗ trợ địa phương mở các tuyến đường liên hoàn ở khu vực cù lao, nhất là sớm hoàn thành tuyến đường liên xã ven sông Tiền từ vàm Cái Muối (Bình Hòa Phước) đến An Long (An Bình) để du khách đến được các điểm du lịch của huyện theo tuyến từ TP Hồ Chí Minh qua Tiền Giang, Bến Tre tới Vĩnh Long.

Với nhiều quyết tâm phát huy thế mạnh du lịch sinh thái vườn, hướng tới Long Hồ sẽ xây dựng một ngành du lịch mang tính cộng đồng bền vững, là một ngành công nghiệp không khói giàu tiềm năng, tạo đà thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển dựa trên những tiềm năng và lợi thế to lớn, mang tính đặc thù riêng của mình.

Báo Vĩnh Long