Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản), Đại học California (Mỹ) xây dựng chiến lược toàn diện về thiết kế đô thị và quy hoạch vùng nhằm quản lý di sản Huế và phát triển bền vững bảo tàng sinh thái lịch sử lưu vực sông Hương.
Trong tháng 3/2013, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa về 6 chủ đề, gồm nguyên lý sơn-thủy ở khu vực Huế; lịch sử, văn hóa, xã hội, sinh thái và kinh tế gắn với sông Hương; quản lý môi trường lịch sử tại khu vực lăng Gia Long; sinh thái, lịch sử và di sản văn hóa khu vực xã Thủy Biều; cải thiện điều kiện sống và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu vực Bao Vinh; kinh tế, xã hội, văn hóa và sinh thái khu vực đầm phá ở sông Hương.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất thích ứng với điều kiện cụ thể của từng vùng về các mặt lịch sử, văn hóa, du lịch, cảnh quan, kinh tế, lối sống của người dân địa phương nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan, di tích, cải thiện môi trường sống của dân cư địa phương, phát triển kinh tế…
Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xây dựng kế hoạch hoàn thiện hơn các ý tưởng thiết kế và góp phần bổ sung nội dung việc quản lý, phát triển bền vững bảo tàng sinh thái lịch sử lưu vực sông Hương.
Đối với Huế, từ lâu, sông Hương chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Thực tế, hầu hết các di tích liên quan đến kinh thành Huế đều gắn liền với sông Hương và cảnh quan đôi bờ.
Từ năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo đó, Cố đô Huế có 17 di tích và cụm di tích đã được công nhận, gồm Hoàng thành, Kinh thành, Trấn Hải thành, đàn Nam giao, Văn miếu, Võ miếu, cung An Định, Hổ quyền-điện Voi ré, các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, điện Huệ Nam, chùa Thiên Mụ… Tất cả đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nhiều dự án chỉnh trang bờ sông Hương, đoạn chảy qua thành phố Huế; trong đó, tỉnh tập trung giải tỏa 187 hộ dân sống ven bờ sông Hương đoạn từ Kim Long đến Thiên Mụ; giải tỏa và di dời dân dọc bờ sông đoạn từ Gia Hội đến cầu chợ Dinh trên tổng chiều dài 2,1 km.
Đoạn bờ sông phía nam trước công viên 3/2 từ cầu Tràng Tiền đến khách sạn Century cũng được đầu tư gần 7 tỉ đồng để kè bờ, làm bến thuyền du lịch đón khách đi ca Huế trên sông.
Việc xây dựng chiến lược toàn diện về thiết kế đô thị và quy hoạch vùng lần này nhằm quản lý tốt hơn khu di sản Huế và phát triển bền vững bảo tàng sinh thái lịch sử lưu vực sông Hương...