Nam Định có tiềm năng phát triển du lịch khá phong phú gồm sản phẩm du lịch văn hóa với Quần thể di tích lịch sử, văn hóa phủ Dầy (huyện Vụ Bản), Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định); du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy); làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực); làng nghề đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên); du lịch sinh thái biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Thịnh Long (huyện Hải Hậu)…
Ngoài ra còn có các đặc sản ẩm thực như kẹo lạc Sừu Châu, bánh nhãn, gạo tám Hải Hậu, di sản văn hoá phi vật thể hát Văn, hát Chầu Văn…
Với tiềm năng trên, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch, tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia làm kinh tế du lịch, đẩy mạnh công tác tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá, xây dựng các khu, điểm, tour du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch…, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đã được đầu tư, phát triển nhanh ở thành phố Nam Định, khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long. Năm 2012, tỉnh ta tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 3 dự án với số vốn 27 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nâng tổng số vốn Trung ương hỗ trợ các dự án đầu tư hạ tầng du lịch của tỉnh lên 185 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 7 khách sạn, nhà nghỉ với 125 buồng phòng với số vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 533 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó 306 cơ sở kinh doanh lưu trú với 3.989 buồng phòng, 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, còn lại là các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ việc ăn, nghỉ, mua sắm hàng lưu niệm của du khách. Với những sản phẩm du lịch đặc trưng và nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân quan tâm phát triển kinh tế du lịch, tỉnh ta đang dần trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, tổng lượng khách du lịch của tỉnh ước đạt hơn 1,8 triệu lượt người, tăng 8,2% so với năm 2011; trong đó khách lưu trú chiếm 31,5%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh ước đạt 305,7 tỷ đồng, tăng 33,4% so với năm 2011, trong đó doanh thu ăn uống và lưu trú đạt 233,3 tỷ đồng (chiếm 75,5%), doanh thu từ khách lễ hội và mua sắm đạt 53,49 tỷ đồng, doanh thu lữ hành đạt 18,97 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2013, tổng số lượt khách tới các lễ hội, điểm tham quan, du lịch của tỉnh ước đạt 720 nghìn lượt, thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 85,2 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012.
|
Trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng du lịch của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định vai trò của kinh tế du lịch trong nền kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch tỉnh vẫn chưa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm du lịch đặc thù, chưa khai thác các địa chỉ du lịch thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, số lượng khách tham dự lễ hội vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 55% trong tổng số lượt khách đến tham quan du lịch trong tỉnh, còn lại 30% khách đến các khu du lịch biển; 15% khách công vụ, thăm thân nhân kết hợp du lịch. Hiện nay, các sản phẩm du lịch lễ hội của tỉnh chưa được thiết kế sinh động, gắn kết các loại hình du lịch lễ hội với làng nghề, hay du lịch sinh thái… nên khách du lịch lễ hội thường không lưu trú thời gian dài, dẫn đến khai thác giá trị gia tăng từ các dịch vụ ăn, nghỉ chưa cao. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm mang tính đặc trưng chưa chặt chẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi còn lạc hậu, trình độ của đội ngũ nhân lực hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp… nên không lưu giữ được du khách cư trú lâu ngày. Nhiều làng nghề truyền thống như đúc đồng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan… chưa được quan tâm đúng mức, các sản phẩm lưu niệm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Năm 2013, tỉnh phấn đấu đón 1 triệu 913 nghìn lượt khách, doanh thu khoảng 367,7 tỷ đồng. Mục tiêu trên đang đặt ra cho các ngành, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách; củng cố cơ sở vật chất tại các khu du lịch nhằm bảo đảm các điều kiện ăn, nghỉ, đi lại cho khách du lịch; nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch… UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 13-12-2012 về tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của tỉnh hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013; chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động trọng tâm như: Lễ hội phủ Dầy (Vụ Bản); hội thi thả diều sáo và khai trương mùa du lịch biển Nam Định 2013…