Ngày 13/4, tại TP Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM) là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2001 của thế giới, do Ban thư ký Công ước Ramsar trao.
Sau gần 4 năm được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, thì giờ đây hơn 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thuỷ sản sống trên 15.262 ha đất liền và 26.600 ha vùng ven biển một lần nữa nhận được sự quan tâm của cả thế giới khi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar.
Nhiều loài quý hiếm như bồ nông chân xám, giang sen, cò trắng Trung Quốc, rái cá, cầy giông đốm lớn, rùa hộp lưng đen, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ,… thêm một cơ hội để sinh sôi trên vùng đất Mũi Cà Mau.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, chia sẻ, bảo vệ rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học thời gian qua luôn được Ban giám đốc xem là nhiệm vụ hàng đầu. Giờ đây khi Vườn quốc gia trở thành khu Ramsar thì tinh thần trách nhiệm ấy sẽ càng được nâng lên.
Không chỉ phấn đấu làm tốt công tác quản lý và bảo tồn trong thời gian tới mà Vườn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và phục vụ cho tham quan du lịch.
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng sống trong khu vực bảo tồn phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, xứng tầm là khu Ramsar thế giới.
Tìm hướng giải bài toán an sinh
Với vai trò và tầm ảnh hưởng của Công ước quốc tế Ramsar cũng như những giá trị đích thực mà vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau hiện có sẽ là tâm điểm chú ý của nhiều nhà khoa học cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Khi đó, khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau sẽ trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ngành du lịch.
Song song với những giá trị vật chất và tinh thần mà khu Ramsar có thể mang lại cho người dân Cà Mau thì trách nhiệm giữ đúng Công ước quốc tế càng nặng nề hơn. Nhất là trong điều kiện diện tích khu Ramsar quá rộng, đời sống dân cư trong khu vực còn nhiều khó khăn.
Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, bộc bạch: “Đời sống người dân Đất Mũi còn nhiều khó khăn, hy vọng rằng sau khi Vườn quốc gia được công nhận khu Ramsar thế giới, từ những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các ngành, các cấp trong tỉnh sẽ lựa chọn những mô hình sinh kế phù hợp hỗ trợ người dân địa phương trong thời gian tới”.
Anh Lê Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, bộc bạch: “Theo quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước sẽ có giá trị nhiều hơn nếu giữ chúng ở trạng thái tự nhiên hoặc làm biến đổi không đáng kể.
Mặt khác, hệ sinh thái đất ngập nước rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi và có khả năng đảo ngược nếu quản lý không thích hợp.
Từ quan điểm này, chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng cần có một khung chính sách quản lý bền vững, chia sẻ lợi ích nhằm bảo tồn các chức năng và giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước hiện có.
Đặc biệt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn, phát triển các vùng đất ngập nước. Trên cơ sở đó khuyến khích đồng bào tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn và chính họ sẽ là người quản lý tài nguyên của mình một cách tốt nhất”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng khẳng định, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thế giới là cơ hội để kêu gọi các tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật nhằm bảo tồn và sử dụng có hiệu quả vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau.
Đồng thời, đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đến nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế; thúc đẩy phát triển ngành du lịch trên cơ sở khai thác bền vững tiềm năng du lịch sinh thái…, góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.