Xóa bỏ tính tự phát trong khai khác du lịch văn hóa
Cập nhật: 22/04/2013
Việc xóa bỏ tính tự phát trong khai thác giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch là vấn đề mấu chốt tại hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch Hà Nội”, tổ chức chiều 18/4 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã xác định rõ nhận thức và quan điểm về mối quan hệ biện chứng và tương hỗ giữa di sản văn hóa và du lịch; giữa khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị để việc phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch Hà Nội thực hiện một cách khoa học, bài bản và hiệu quả, dần xóa bỏ tính tự phát trong khai thác du lịch văn hóa.

Các đại biểu cũng chỉ ra nhiệm vụ cụ thể trong sự gắn kết giữa các điểm đến văn hóa và doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong quảng bá, giới thiệu, đầu tư xây dựng sản phẩm mới. Một mặt, việc đảm bảo hài hòa lợi ích mang lại từ phát triển du lịch văn hóa cũng được tính đến để cả điểm văn hóa và người tham gia vào các hoạt động văn hóa đều được thụ hưởng những lợi ích mang lại từ du lịch. Từ đó các nhà quản lý, người làm du lịch có thể huy động tối đa các nguồn nhân lực địa phương tại các điểm văn hóa tham gia làm du lịch.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, thành phố và các địa phương cần khuyến khích chính các doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khuyến nghị rằng thách thức cần ưu tiên giải quyết đối với Hà Nội hiện nay là đảm bảo sự cân bằng mang tính bền vững giữa lịch sử và di sản của thành phố, giữa sức ép hiện đại hóa và nhu cầu của người dân, giữa một “mái nhà” của người dân và sự trải nghiệm của hàng triệu lượt du khách đến đây mỗi năm.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Dương và thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng Hà Nội cần xây dựng một chiến lược du lịch Thủ đô cả tầm dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; trong đó đặc biệt chú trọng đến các dự án du lịch trong 10-20 năm tiếp theo, xác định rõ những dự án trọng điểm, có tính khả thi cao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phải có chiến lược du lịch hướng đến phát triển chất lượng du khách thay vì số lượng, thu hút du khách lưu trú lâu hơn.

Hà Nội được đánh giá đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình di sản văn hóa. Tuy vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội; trong đó rất nhiều các điểm di tích, các loại hình văn hóa chưa được khai thác.

Điển hình như chùa Đậu với hai pho “tượng táng” của hai thiền sư, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Đông Ngạc, làng nghề Phú Vinh, Chuông Ngọ, những bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù, chèo, xẩm, võ thuật. Ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng, Thành Cổ Loa chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.

Ngay cả những điểm đến đã được đưa vào các chương trình du lịch, được nhiều du khách biết đến vẫn còn những bất cập, hạn chế hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du lịch. Từ cách thức tổ chức tiếp đón, phục vụ, cơ sở vật chất-kỹ thuật, môi trường đến nghệ thuật trình diễn, giới thiệu và chào bán sản phẩm, mẫu mã...

Vietnam+