So với dịp lễ các năm trước, năm nay du khách tới Đà Nẵng bùng nổ nhảy vọt bởi nhiều lý do, nhưng đáng nói nhất đó là cùng với Lễ hội pháo hoa quốc tế 2013, thành phố này vừa khánh thành 3 công trình lớn, độc đáo, đạt nhiều kỷ lục thế giới là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và tuyến cáp treo số 3 Bà Nà.
Thật vậy, sau những công trình độc đáo nổi tiếng như cầu quay sông Hàn, cầu treo dây võng Thuận Phước, hiện nay, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đã góp phần làm nên biểu tượng cho sức bật mới của thành phố Đà Nẵng, là điểm nhấn độc đáo làm cho dòng sông Hàn lung linh hơn.
Đặc biệt, cầu Trần Thị Lý là cây cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh, dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng độc đáo, giữa cầu có tháp trụ cao gần 150m so với mặt nước, bên trong tháp trụ có hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố. Cầu Rồng là cầu nằm ở trục chính của Đà Nẵng theo hướng đông - tây, tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch kế bên bờ biển đẹp nhất hành tinh. Cầu Rồng còn được du khách hiếu kỳ thích tìm đến chứng kiến tận mắt các màn trình diễn phun lửa, phun mưa ngoạn mục. Mới đây, ông Nguyễn Bá Thanh trước khi bàn giao chức Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ mới, đã đề nghị nên cho cầu Rồng phun lửa vào lúc 22h00’ thứ 7, chủ nhật và phun nước vào sáng chủ nhật để du khách tham quan. Với cầu quay sông Hàn, ông cũng đề nghị cho cầu quay lúc 24h00’ vào ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần để phục vụ du khách.
Tuyến cáp treo số 3 Bà Nà đạt 4 kỷ lục thế giới (Thác Tóc Tiên), sau khi đưa vào khai thác thương mại phục vụ người dân và du khách tròn một tháng, lượng khách đến Bà Nà đã tăng rõ rệt, bình quân khoảng 2.000-2.500 khách/ngày, tăng gần gấp đôi so với thời gian Bà Nà chưa có tuyến cáp mới. Về việc điều tiết đi các tuyến cáp, thực tế vào dịp lễ, mùa du lịch các năm, lượng khách xếp hàng lên cáp rất đông và phải chờ lâu nên vào thời gian cao điểm, Ban quản lý có phương án cho vận hành 2 cáp một lúc và điều tiết khách tránh sự quá tải tại mỗi tuyến. Riêng ngày bình thường, sẽ cho vận hành luân phiên, vừa để du khách cảm nhận cảm giác mới lạ, vừa giúp đơn vị có điều kiện duy tu bảo dưỡng cáp tốt hơn, tạo sự an toàn, yên tâm tuyệt đối.
Trong khuôn khổ lễ hội pháo hoa, tại Đà Nẵng, nhiều hoạt động phụ trợ khác nhằm thu hút du khách cũng được diễn ra như: Liên hoan giao lưu ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, diễu hành thuyền hoa, trình diễn và tổ chức các hoạt động thể thao biển, các chương trình ca nhạc và thời trang, trưng bày ảnh đẹp Đà Nẵng, ngày hội đọc sách, diễu hành thuyền hoa, hoa đăng trên sông Hàn, biểu diễn âm nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch… Ngoài ra, cũng phải tính tới hiện nay hạ tầng du lịch của thành phố đã khá hoàn thiện với nhiều tour hấp dẫn như tắm bùn, tour trực thăng; các show diễn được nâng cao như tại nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thí điểm múa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm…
Được biết, số khách sạn đăng ký phục vụ khách dịp diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa năm nay tăng thêm 75 khách sạn với gần 2.400 phòng so với năm 2012. Sở Công thương cũng đã cho công khai giá dịch vụ phòng khách sạn trong thời gian diễn ra DIFC 2013 và dịp lễ của các cơ sở dịch vụ trên website của Sở và Cổng Thông tin du lịch của thành phố, cho phép cơ sở lưu trú tăng giá không quá 50% so với giá bán ngày thường. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng liên tục kiểm tra các khách sạn, nhà nghỉ và hậu kiểm tra những cơ sở đã vi phạm; trường hợp phát hiện khách sạn và công ty lữ hành bán giá tour cao hơn giá đã đăng ký cũng sẽ tiến hành xử phạt cả 2 đơn vị. Đồng thời tiếp tục kiểm tra dịch vụ taxi và một số phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ khác; thực hiện niêm yết giá taxi tại tất cả các hãng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng sẽ siết chặt việc tăng giá tại các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ trông giữ xe, nước giải khát… Sở sẽ phân công cán bộ trực tiếp làm việc với UBND các phường có liên quan tiến hành kiểm tra, vận động các hộ dân kinh doanh đúng quy định trong 2 ngày diễn ra lễ hội.