(TITC) - Ngày 24/4/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1524/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 2. Theo đó hai di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này gồm: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khơ me.
|
Nguồn ảnh: Vnexpress.net |
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh không chỉ của người dân trên huyện đảo Lý Sơn mà cả tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những hùng binh Hoàng Sa và Trường Sa. Theo người dân địa phương, Đội Hoàng Sa, hay Hải đội Hoàng Sa là tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ 17 với mục đích ban đầu là hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác hải sản và thu nhặt hàng hóa do các tàu buôn bị đắm và trôi dạt vào hai quần đảo này. Đến triều Nguyễn, ngay từ thời Vua Gia Long, đội Hoàng Sa có nhiệm vụ dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, lập bản đồ... Các binh sĩ tham gia đội Hoàng Sa đều là trai tráng trên đảo Lý Sơn. Trước khi giong buồm đi Hoàng Sa và Trường Sa, họ làm lễ tế sống tại đình làng Lý Vĩnh, xã An Vĩnh. Họ ra đi mang theo lương thực, bảy sợi dây mây, bảy nẹp tre, một đôi chiếu và tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán phòng khi chẳng may hy sinh trên biển, sẽ được đồng đội bó xác lại và thả xuống biển với hy vọng khi trôi vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích để đưa về quê hương.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội lớn, được 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức từ hàng trăm năm nay, vào ngày 19/3 âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội này được chọn làm điểm nhấn cho Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 với nhiều nghi thức và hoạt động văn hóa độc đáo như: Lễ khai kinh, lễ cầu siêu, lễ hoa đăng, lễ nhật yết, lễ rước Bằng di tích quốc gia đình làng An Vĩnh, lễ chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ đua thuyền tứ linh, múa bông, múa lân sư rồng…, đặc biệt là lễ đón nhận bằng công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được long trọng tổ chức vào sáng 28/4 tại huyện đảo Lý Sơn.
Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khơ me là một loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo, có nguồn gốc từ rất lâu đời. Nghệ nhân có thể thể hiện đề tài trong phạm vi rộng, từ kinh Phật, đạo đức, y tế, kinh nghiệm trong canh tác ruộng vườn... đến những câu chuyện phê phán thói hư tật xấu của con người.
Chầm riêng Chà pây được hiểu là đàn ca hát. Chầm riêng có nghĩa là ca hát, Chà pây là đàn Chà pây (một loại đàn có hình dáng gần giống đàn Đáy của người Kinh, tuy nhiên về số dây, thanh âm và cấu tạo phím đàn thì khác nhau hoàn toàn bởi nó phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng). Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân vừa đàn từng đoạn nhạc, vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn. Bài bản không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn là những đoạn độc diễn do nghệ nhân ngẫu hứng nghĩ ra.
Việc công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khơ me là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không những tôn vinh nền văn hóa của Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thanh Hải