Theo ông Tô Sỹ Hà, Phó trưởng đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa tại cụm Cảng khách TP Hạ Long, Quảng Ninh, hiện có 460 phương tiện đưa khách đi tham quan và nghỉ đêm lưu trú trên Vịnh Hạ Long. Các phương tiện này chủ yếu tập trung đưa đón khách tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy và cảng Tuần Châu.
Nhằm đảm bảo an toàn của du khách tham quan trên Vịnh, tránh những sự cố đáng tiếc, từ đầu năm 2011, Cảng vụ đường thuỷ nội địa đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý hoạt động tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long bằng công nghệ định vị vệ tinh GPS và xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng điện thoại và VHF. Việc áp dụng hệ thống trên giúp cơ quan quản lý kiểm soát được hành trình, vị trí, thời điểm, vận tốc, tuyến hành trình… của từng tàu du lịch. Hơn nữa, khi tàu gặp sự cố còn có thể liên lạc giữa tàu với tàu và giữa tàu với các cơ quan quản lý bằng VHF, để kịp thời được ứng cứu. Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống GPS và hệ thống thông tin liên lạc VHF trên tàu còn giúp các tàu đi đúng luồng tuyến trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc bất thường.
Mặc dù có những lợi thế như vậy, nhưng thiết bị này lại chưa đạt được những lợi ích tối ưu đối với các loại tàu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long. Vì loại thiết bị này không có tính năng cảnh báo nguy hiểm hay trạng thái tàu khi có sự cố như: chìm tàu, nước vào tàu… hoặc những sự cố có thể xảy ra với khách du lịch như: đi lạc, rơi xuống nước... Thực tế là trên Vịnh Hạ Long những năm qua cũng đã từng xảy ra các sự cố đáng tiếc như vậy đối với khách du lịch nghỉ đêm trên Vịnh. Chính vì vậy, Sở GT-VT đã triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ trong quản lý tàu và khách ngủ đêm trên Vịnh”. Theo Công ty cổ phần Mopha - đơn vị tư vấn dự án, dự án sử dụng công nghệ nhận dạng tự động AIS và hệ thống quản lý hành khách MOB là những công nghệ mới và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Công nghệ AIS là công nghệ phổ biến được áp dụng trong việc quản lý di chuyển của tàu, thuyền. Các tàu du lịch trên Vịnh sau khi được trang bị hệ thống AIS sẽ liên tục phát các tín hiệu về tàu của mình và các thông tin an toàn hàng hải, trao đổi thông tin với các tàu khác, các trung tâm ở trên bờ. Việc trao đổi thông tin một cách liên tục như vậy giúp việc tránh va chạm, phân luồng và đưa ra các cảnh báo hiệu quả, thuận tiện.
Thông tin của các tàu du lịch sẽ được hiển thị trên màn hình kết hợp với hải đồ điện tử ENC giúp tàu thuyền định vị và định hướng hàng hải chính xác trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống còn cung cấp thông tin chi tiết về trạng thái khu vực tàu đang hoạt động như: Tên trạng thái, vị trí, thông tin điều kiện thuỷ hải văn… Hệ thống có khả năng lưu trữ thông tin lớn về quá trình hoạt động hàng hải của tàu, thuyền trong khu vực và có thể hiển thị khi có yêu cầu như: Tên tàu, số hiệu nhận dạng, tốc độ, hướng, điểm xuất phát, điểm đến tiếp theo, danh sách thuyền viên… Đặc biệt, hệ thống còn được tích hợp thêm tính năng cảnh báo chìm tàu hoặc nước vào tàu. Hệ thống quản lý hành khách MOB sử dụng phương thức truyền thông tin không dây kết hợp với định vị GPS giúp việc tìm và giải cứu người bị nạn trên biển có hiệu quả cao bằng cách cung cấp các thông tin chính xác về vị trí và trạng thái (trên hay dưới nước) của người bị nạn về trung tâm điều hành. Hệ thống MOB gồm 2 thiết bị là vòng đeo tay và bộ đọc MOB lắp tại phòng điều hành. Hệ thống sẽ phát ra cảnh báo khi mất liên lạc giữa vòng MOB và bộ lọc MOB khi: khách bị rơi xuống nước hoặc khách ra khỏi khu vực kiểm soát (vùng phủ sóng mỗi bộ lọc MOB là 30 mét).
Theo ông Trần Văn Quang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, việc triển khai các hệ thống quản lý tàu và khách du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long sẽ nâng cao được mức độ quản lý hành khách, nâng cao độ an toàn cho khách du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Việc thực hiện dự án là hết sức cần thiết, việc này sẽ nâng cao công tác quản lý du lịch trong thời gian tới. Theo dự kiến kinh phí cho toàn dự án khoảng 90 tỷ đồng cho 164 tàu nghỉ đêm và các trạm, trung tâm trên bờ, các tàu khi tham gia dự án sẽ tự đầu tư trang thiết bị.