(TITC) - Tây Ninh là tỉnh biên giới của miền Đông Nam Bộ, là đầu mối và cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng phía tây nam của Tổ quốc.
Tây Ninh còn là tỉnh chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), cách TP. Hồ Chí Minh 99 km về phía tây bắc, cách biên giới Campuchia 40 km về phía đông.
Vùng đất Tây Ninh xưa kia thuộc Thủy Chân Lạp, nghĩa là “Chuồng Voi”, chỉ có rừng rậm, thú dữ và những người thổ dân sinh sống. Tuy nhiên, từ sau khi người Việt đến đây khai hoang, định cư, vùng đất này ngày càng trở nên văn minh, phồn thịnh.
Tòa thánh Cao Đài
Do có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều rừng rậm nên Tây Ninh đã được chọn để xây dựng căn cứ địa của cách mạng miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích cách mạng, tiêu biểu là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có nhiều di tích văn hóa có giá trị như: Tòa thánh Cao Đài – công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng của đạo Cao Đài, tháp cổ Bình Thạnh – kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Chăm… Có thể thấy, di tích văn hóa, lịch sử ở Tây Ninh rất phong phú. Hiện tỉnh đã có 81 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó 23 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 58 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Những năm gần đây, du khách đến Tây Ninh rất đông, trung bình mỗi năm có hơn 3 triệu lượt khách, đa số đến để tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử, văn hóa.
Để thu hút lượng khách đến Tây Ninh ngày càng đông cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh phát triển, Tây Ninh đã sớm bắt tay thực hiện công tác bảo tồn các di tích lịch sử. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã tham mưu cho tỉnh nhiều đề án phục vụ cho công tác này như: “Phân cấp quản lý, xã hội hóa quản lý các di tích”, “Các giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”. Trong quá trình thực hiện, bằng việc thực hiện linh hoạt hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tây Ninh đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mọi tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị văn hóa.
Từ năm 2008 đến nay, ngoài kinh phí của cấp trên, tỉnh đã đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó đặc biệt là di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, hệ thống kiến trúc nhà ở tập thể, nhà khách, nhà ăn được phục dựng giống hệt trong thời gian chiến tranh; khu nhà đón tiếp được xây mới khang trang; hệ thống âm thanh, ánh sáng được bố trí hợp lý phục vụ các hoạt động tham quan, triển lãm, hội nghị; khu rừng cây dầu (diện tích 4ha) được trồng mới nhằm tái hiện cảnh quan rừng ở khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam trước đây. Tính đến tháng 4/2013, 100% các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được khoanh vùng bảo vệ.
Ngoài ra, Tây Ninh còn phục hồi và tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống nhằm khẳng định nét đẹp của văn hóa lễ hội cũng như giá trị của di tích như: lễ hội xuân núi Bà Đen, lễ hội về nguồn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, lễ hội chiến thắng Tua Hai, hội thề Rừng Rong…; hợp tác liên kết với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nước bạn Campuchia trong xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với các sản phẩm du lịch chính là: du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội, về nguồn; du lịch tâm linh, sinh thái, mua sắm, giải trí, thể thao…
Với các hành động tích cực, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh, góp phần xây dựng nên một đô thị xanh ở vùng biên giới Tây Nam, tạo điểm nhấn liên hoàn trong các hoạt động thu hút khách đến vùng này.
Thanh Hải