Xây dựng Vân Đồn trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Cập nhật: 22/05/2013
(TITC) - Vân Đồn là huyện đảo nằm phía đông nam tỉnh Quảng Ninh, cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái khoảng 120km, có tổng diện tích khoảng 2.171km², trong đó, diện tích đất tự nhiên trên 551km², vùng biển rộng 1.620km². Với vị trí thuận lợi nằm trong vịnh Bái Tử Long và liền kề với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vân Đồn hội tụ nhiều ưu thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo. Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và phát triển du lịch là hoạt động chính để phát triển các ngành kinh tế - xã hội khác.

Tiềm năng du lịch huyện Vân Đồn


Rừng trâm huyện Vân Đồn

Với địa hình đa dạng, có rừng, biển, đảo đá, đảo đất cùng nhiều hang động karst, Vân Đồn hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Hệ sinh thái rừng ở đây có tới 1.028 loài, hệ sinh thái biển có 881 loài, trong đó có 102 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Vân Đồn còn được đánh giá là vùng biển có nhiều bãi tắm đẹp nhất vịnh Bắc Bộ như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bãi Dài…

Ngoài ra, huyện đảo này còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: hệ thống bến cảng cổ của Thương cảng Vân Đồn; đình Quan Lạn, đền thờ Vua Lý Anh Tông, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu – Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm; dấu tích thành cổ nhà Mạc và nhà Nguyễn, dấu tích khai thác than ở đảo Cái Bầu thời Pháp thuộc; di chỉ Soi Nhụ, Hà Giắt, Ngọc Vừng có niên đại từ 13.000 năm đến 3.000 năm; lễ hội chèo bơi Quan Lạn (18/6 âm lịch hàng năm) kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông (năm 1288). Nơi đây đã hình thành và tồn tại những nếp sống văn hóa, những hình thái nghệ thuật dân gian độc đáo của cư dân vùng biển như: hát chèo đường, hát soọng cô… cùng nhiều làng nghề liên quan đến văn hóa biển như: làm mắm, làm muối, đóng tàu, đan lưới, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loại hải sản, trồng cây chuyên canh…


Bãi tắm Minh Châu

Định hướng phát triển du lịch Vân Đồn giai đoạn 2013 – 2015 là phát triển du lịch sinh thái biển đảo, vui chơi, giải trí chất lượng cao theo 2 khu vực chính: khu du lịch Cái Bầu (gồm khu du lịch Bãi Dài, các xã Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng) và khu du lịch biển đảo (gồm xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, vườn quốc gia Bái Tử Long và vịnh Bái Tử Long). Bên cạnh đó, tập trung thu hút khách du lịch quốc tế tàu biển di chuyển từ Vịnh Hạ Long đến Vân Đồn; đồng thời thu hút du khách từ các vùng trong cả nước bằng việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường bộ và đường biển.

Những kết quả đã đạt được của du lịch Vân Đồn

Những năm qua, du lịch Vân Đồn đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường bộ, bến cảng, điện lưới đã được nâng cấp, mở rộng.

Trên địa bàn toàn huyện hiện có 98 cơ sở lưu trú với 1.230 buồng, trong đó tại tuyến đảo có 575 buồng (chiếm 48%); 30 nhà hàng trên đất liền và 15 nhà hàng trên biển; 18 tàu cao tốc từ 26 – 50 chỗ ngồi, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách. Năm 2012, tổng doanh thu từ các dịch vụ cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và phương tiện vận chuyển đạt 350 tỷ đồng (tăng gấp 1,3 lần so với năm 2011).

Số lượng khách du lịch đến Vân Đồn tham quan, nghỉ dưỡng tăng hàng năm, tập trung đông vào mùa Hè ở các xã đảo; mùa Xuân ở các khu vực có di tích văn hóa, lịch sử. Năm 2012, tổng lượng khách du lịch đến Vân Đồn đạt 540.000 lượt, trong đó có 8.800 lượt khách quốc tế; số lượng khách lưu trú từ 1 – 1,5 ngày đạt 32% trong tổng lượng khách.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Vân Đồn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; sức cạnh tranh và khả năng hấp dẫn của các hoạt động kinh doanh còn thấp; sản phẩm du lịch chưa có nét độc đáo, còn mang tính thời vụ; công tác quản lý nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; chưa kịp thời xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch; lực lượng lao động chưa được đào tạo bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp…

Các nhóm giải pháp phát triển du lịch Vân Đồn giai đoạn 2013 – 2015 

Phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: hoàn thiện việc nâng cấp tỉnh lộ 334; sớm hoàn thiện đường liên xã Minh Châu – Quan Lạn; triển khai, hoàn thành dự án cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện trên các xã đảo; nâng cấp, mở rộng hệ thống bến tàu tại các xã đảo; xây dựng cảng tàu du lịch quy mô lớn tại khu Nam Cảng, thị trấn Cái Rồng; xây dựng và đưa vào sử dụng bến đỗ xe du lịch khu vực thị trấn Cái Rồng…

Xây dựng và phát triển sản phẩm: xây dựng 1 – 2 làng nghề truyền thống trong lĩnh vực chế biến hải sản tại các xã Minh Châu, Quan Lạn; du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghiên cứu giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao, mạo hiểm (bơi thuyền, lướt ván, lặn biển, nhảy dù, mô tô nước, leo núi, câu cá); du lịch sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa cộng đồng; du lịch tâm linh (tham quan các di tích văn hóa lịch sử, lễ hội, văn hóa dân gian); nghỉ đêm trên biển; các sản phẩm bổ trợ (hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch; nghiên cứu khoa học kết hợp du lịch; các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản kết hợp du lịch; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm)… 

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, phổ biến, giáo dục và thông tin du lịch: quảng bá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động du lịch của tỉnh, tham gia các hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa của dân tộc, ứng xử văn minh, lịch sự; yêu cầu các đơn vị tham gia kinh doanh thực hiện nghiêm túc các qui định của Nhà nước về đảm bảo an toàn kỹ thuật, chất lượng, niêm yết giá nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Vân Đồn.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch có trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của thực tiễn; mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho lao động trực tiếp làm trong các đơn vị kinh doanh du lịch; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế; từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn của người lao động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các chương trình thi tay nghề, tham gia các chương trình của tỉnh về nghiệp vụ du lịch.

Cơ chế chính sách và thu hút đầu tư: tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng gia công từ nguyên liệu của địa phương; hỗ trợ đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo 10 - 15 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại đảo Ngọc Vừng…

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra: chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; tăng cường công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các bãi tắm du lịch; công bố, kê khai giá dịch vụ, hạn chế những tiêu cực phát sinh trong kinh doanh du lịch.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Huy Hoàng

TLTK: Chương trình Phát triển du lịch Vân Đồn giai đoạn 2013 – 2015 (UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh)