Bình Dương định hướng không gian phát triển du lịch về phía nam, phía tây bắc và phía đông nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 đón 5 triệu lượt khách du lịch.
|
Một góc trong khu du lịch Phương Nam, tỉnh Bình Dương |
Theo đó, quy mô không gian phía nam bao gồm khu vực thị xã Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần của huyện Bến Cát với sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm, du lịch thể thao cao cấp.
Khu vực ưu tiên đầu tư cho các dự án tại phía nam là khu vực ven miệt vườn Lái Thiêu của thị xã Thuận An, ven sông Sài Gòn.
Tiếp đến, quy hoạch không gian phía tây bắc bao gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn và khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và huyện Bến Cát. Sản phẩm du lịch chủ lực tại đây là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, với các khu vực ưu tiên đầu tư là khu vực hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, khu vực hồ Cần Nôm.
Đồng thời, chú trọng phát triển không gian phía đông bao gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc huyện Tân Uyên, huyện Phú Giáo với sản phẩm chủ yếu là du lịch đường sông.
Ngoài ra, các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, liên khu vực sẽ được ngành du lịch tỉnh liên doanh, liên kết với du lịch của TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nhằm đa dạng hóa các chương trình du lịch.
Đặc biệt, chú trọng và phát huy các tuyến du lịch đường sông gồm các tuyến du lịch trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé. Xem du lịch nghỉ dưỡng là một trong những sản phẩm đặc trưng của ngành du lịch Bình Dương.
Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển du lịch theo lộ trình đến năm 2020 là khoảng 11.700 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 1.400ha.