11.000 tỷ đồng phát triển du lịch đường sông ở TP HCM
Cập nhật: 23/05/2013
Xây dựng, cải tạo hàng loạt cầu tàu, nhà chờ bến đỗ, tổ chức các sự kiện văn hóa... với tổng số vốn 11.000 tỷ đồng, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ là sản phẩm chủ lực của thành phố.

Với lợi thế khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải, TP HCM có một vị trí chiến lược trong phát triển du lịch đường thủy. Từ trung tâm thành phố có thể kết nối với tất cả 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và liên kết trực tiếp với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong những năm qua, lượng khách gia tăng mỗi năm trong hoạt động du lịch đường thủy, nhất là tuyến có cự ly trung như Bến Bạch Đằng - Củ Chi… Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch này vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có bởi hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tuyến thiếu, kém chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn du lịch.

Vì vậy, để du lịch đường sông trở thành ngành mũi nhọn, các sở ngành liên quan đã soạn thảo "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP HCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020" với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo dự thảo, thành phố dự kiến sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%; doanh thu tăng mỗi năm 30%... Đến năm 2020 du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.

Kế hoạch từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ cải tạo và xây 50 bến đón tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận huyện có tuyến du lịch sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 9.

Dự kiến trong tháng 5 này, TP HCM sẽ giới thiệu 7 tour du lịch đường sông, là các tour xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến các điểm tham quan ở Bình Quới, Củ Chi, nhà vườn Long Phước ở quận 9... TP HCM cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm tại khu vực bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng - cầu Mống và phát triển loại hình du lịch thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 9.

Hiện UBND thành phố đã giao cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn nghiên cứu mở tuyến du lịch tham quan cảnh trí sông nước từ trung tâm thành phố đến các chùa cổ ở quận 5, quận 6, đồng thời mở các tuyến du lịch từ trung tâm đi kênh Bến Nghé, Tàu Hủ ra kênh Tẻ về các tỉnh miền Tây.

vnexpress.net