(TITC) - Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội”.
Đây là dự án do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) thuộc Bộ Ngoại giao và Hợp tác Tây Ban Nha thực hiện dưới sự tài trợ của Chính phủ Tây Ban Nha. Ban Quản lý dự án (BQLDA) Tây Ban Nha (Tổng cục Du lịch) đánh giá cao vai trò của Chính phủ Tây Ban Nha trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; đồng thời khẳng định Tây Ban Nha là đối tác tin cậy của du lịch Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.
Tây Ban Nha tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển du lịch
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam Alfonso Tena khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Tây Ban Nha và Việt Nam
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển du lịch, đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ) về tổng thu nhập từ du lịch và đứng thứ tư trên thế giới về thu hút du khách quốc tế; là đối tác đáng tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã có những bước phát triển tích cực. Năm 2002, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể. Ngoài ra, hai bên cũng đã tiến hành trao đổi đoàn các cấp; hợp tác trong các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi bên; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh du lịch. Năm 2012, lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt 31.305 lượt khách; 4 tháng đầu năm 2013, con số này đạt 7.242 lượt khách.
Tây Ban Nha cũng là nước hỗ trợ tích cho du lịch Việt Nam thông qua các dự án phát triển như: Dự án phổ biến Luật Du lịch, Xây dựng Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam, Quy hoạch du lịch đảo Cát Bà, Định hướng du lịch thành phố Huế và gần đây nhất là Dự án “Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội”.
Một năm nhìn lại dự án
Lào Cai là một trong những địa phương thụ hưởng dự án
Dự án “Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội” được triển khai từ tháng 11/2011 đến tháng 2/2013 trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc (đặc biệt là 3 tỉnh Điện Biên, Hà Giang và Lào Cai). Mục tiêu của dự án là phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm và phát triển theo đúng định hướng chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn và nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý du lịch địa phương trong việc triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam (PTDLVN) giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững; tạo thêm việc làm cho xã hội; tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch các bên liên quan trong hoạt động du lịch.
Dự án gồm 2 cấu phần, trong đó cấu phần thứ nhất là “Tăng cường năng lực quản lý và phát triển du lịch trách nhiệm bền vững ở Việt Nam” bao gồm các nhiệm vụ chính: nâng cao năng lực cho các cán bộ thực hiện Chiến lược PTDLVN thông qua đào tạo; phát triển du lịch văn hóa tập trung vào kinh tế địa phương; nghiên cứu và áp dụng du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam; các chiến dịch giới thiệu nhãn Du lịch xanh; định hướng quản lý và phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý và phát triển du lịch biển Việt Nam. Sau hơn 1 năm triển khai, nhóm nhiệm vụ này đã được hoàn thành với những kết quả cụ thể như: tập huấn cho 300 học viên của 63 Sở VHTTDL, 80 doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch trên cả nước; khảo sát thực tế tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; xây dựng tài liệu “Hướng dẫn phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam” và tổ chức các lớp tập huấn cho các bên có liên quan; xây dựng Bộ tiêu chí nhãn Du lịch xanh; xây dựng Sổ tay hướng dẫn quản lý và phát triển du lịch sinh thái, Sổ tay hướng dẫn phát triển du lịch biển dành cho các nhà quản lý và khách du lịch, Sổ tay hướng dẫn và phát triển nhãn Du lịch xanh dành cho cửa hàng mua sắm, nhà hàng, điểm dừng chân và cơ sở lưu trú…
Cấu phần 2 của dự án là “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Điện Biên”, bao gồm các nhiệm vụ: khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại 3 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên; xây dựng tài liệu hướng dẫn, huấn luyện cho phụ nữ ở các địa phương được chọn; xây dựng cẩm nang những điều nên và không nên khi đi du lịch cộng đồng; đầu tư quy mô nhỏ tại 3 tỉnh; tổ chức khóa học đào tạo thuyết minh viên tại 3 tỉnh; phát động các chiến dịch môi trường xanh, sạch, đẹp tại các điểm du lịch cộng đồng ở 3 tỉnh; xây dựng website quảng bá du lịch cộng đồng tại 3 tỉnh. Sau quá trình triển khai thực hiện, nhóm nhiệm vụ này cũng đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động website quảng bá du lịch cộng đồng do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện tại địa chỉ www.dulichcongdong-vn.vn.
Dự án góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược PTDLVN giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Tây Ban Nha trong việc triển khai dự án
Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Điệp – Phó Tổng cục trưởng TCDL, Trưởng BQLDA Tây Ban Nha, việc triển khai dự án đã bám sát chủ trương, định hướng trong Chiến lược PTDLVN giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011, trong đó xác định phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng miền, địa phương, hướng tới hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch cộng đồng, đặc biệt là phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với môi trường và xã hội. Với nhiều hoạt động được triển khai như: tổ chức hội thảo, tập huấn, khảo sát, xây dựng sổ tay hướng dẫn hay website quảng bá du lịch cộng đồng, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý du lịch ở trung ương và địa phương về vai trò của du lịch; đồng thời góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn và khai thác tối đa, hiệu quả các giá trị độc đáo, bản sắc văn hóa, thiên nhiên của du lịch Việt Nam.
Ông Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Phó Trưởng BQLDA Tây Ban Nha thì cho rằng, dự án đã được thực hiện đúng mục tiêu, đúng thời điểm, phù hợp với Chiến lược PTDLVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; kết quả của dự án có tính thực tiễn, đúng nhu cầu, góp phần đưa Chiến lược PTDLVN vào thực tiễn; chất lượng chuyên môn của dự án được đảm bảo thông qua tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia trong nước và quốc tế; dự án đã nhận được sự tham gia, hỗ trợ tích cực của nhiều địa phương trong nước và sự hưởng ứng của cộng đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: dự án được triển khai trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam xác định chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng xây dựng các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; đồng thời du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu hướng được ngành Du lịch thế giới rất quan tâm, được Tổ chức Du lịch Thế giới đề cao và phát thông điệp tới tất cả các quốc gia đang phát triển du lịch. Dự án này cũng chính là sự cụ thể hóa một hợp phần quan trọng của dự án do Phái đoàn châu Âu (EU) tài trợ. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dự án, Tổng cục trưởng đồng ý với đề xuất cần cho xuất bản, tái bản các sổ tay hướng dẫn thuộc dự án; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và các khóa học nâng cao nhận thức cho cán bộ và cộng đồng. Tổng cục trưởng mong muốn các Tổ chức quốc tế, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ để dự án ngày càng được nhân rộng; đồng thời mong muốn các đơn vị thụ hưởng dự án cần làm cho những kết quả đã đạt được tiếp tục lan tỏa và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng địa phương.
… và đem lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị thụ hưởng dự án
Bà Hoàng Thu Hiền - đại diện Sở VHTTDL Lào Cai khẳng định du lịch cộng đồng là hướng đi đúng đắn của du lịch Lào Cai
Là một trong những đơn vị thụ hưởng dự án, đại diện Sở VHTTDL Lào Cai - bà Hoàng Thu Hiền chia sẻ: Lào Cai là tỉnh biên giới vùng cao nằm ở phía bắc tổ quốc, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Được sự quan tâm của Tổng cục Du lịch và sự hỗ trợ của Chính phủ Tây Ban Nha, Lào Cai là một trong những địa phương được thụ hưởng các hoạt động của dự án, chủ yếu là các hoạt động có trách nhiệm với xã hội như: hỗ trợ đào tạo thuyết minh viên; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực của phụ nữ trong phát triển du lịch; đào tạo và tập huấn về Nhãn Du lịch xanh; phát động phong trào bảo vệ môi trường du lịch xanh; cải tạo nhà trưng bày thành điểm du lịch; thành lập câu lạc bộ khèn Sa Pa tạo điểm nhấn cho du lịch Sa Pa… Các hoạt động này đã tác động tích cực đến việc phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội Lào Cai nói chung, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch dịch vụ, bảo vệ môi trường xanh; nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong cộng đồng và xã hội; đồng thời khuyến khích người dân có ý thức khôi phục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù giúp du khách khám phá được nhiều nét đặc sắc trong thời gian lưu trú tại địa phương. Sau hơn 1 năm triển khai, du lịch cộng đồng tại Lào Cai đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ cho thấy đó là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hy vọng với những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Dự án “Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội”, thời gian tới, Việt Nam sẽ có những bước tiến xa hơn trong mối quan hệ hợp tác với Tây Ban Nha, góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bài, ảnh: Phạm Phương