(TITC) – Sáng ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VHTTDL) đã tổ chức hội thảo “Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa”.
Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại điện các ban ngành, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà phê bình văn học, dịch giả cùng các phóng viên báo chí truyền hình…
Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã cho thấy trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm tới vấn đề giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa như là một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tiếp thu những ý kiến đóng góp trong việc xây dựng chiến lược, tìm kiếm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đưa văn hóa đặc sắc của Việt Nam tiến ra với thế giới. Hội thảo gồm 3 chuyên đề chính: Vấn đề hội nhập và tiếp thu văn hóa; Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới với Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Bộ VHTTDL đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa Việt Nam nói chung và buổi hội thảo nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa Việt Nam có điều kiện phát triển, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì nhiều thách thức cũng đặt ra với nền văn hóa đất nước. Bước vào thời kì đổi mới, văn hóa quốc tế tác động trực tiếp đến văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến xu hướng về thời trang, âm nhạc, thần tượng… Hòa nhập văn hóa chứ không hòa tan, chính là thách thức đặt ra cho đất nước.
Từng chuyên đề trong hội thảo đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận trình bày một cách khoa học, súc tích. Những nội dung được các đại biểu tham dự quan tâm và đóng góp ý kiến đều mang tính thời sự, phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu đều nhất trí với tham luận của PGS.TS Lê Quý Đức – Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, đó là nền văn hóa Việt Nam có nền tảng từ thời văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, trải qua hai cuộc giao lưu tiếp biến văn hóa lớn (thời Bắc thuộc và Tây thuộc), văn hóa Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp vào sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, tạo ra bản sắc, bản lĩnh con người Việt Nam, tạo ra sức mạnh cho con người Việt Nam biết tiếp thu một cách có chọn lọc văn minh nhân loại.
Hiện nay, vấn đề ảnh hưởng của yếu tố văn hóa ngoại lai đến bộ phận giới trẻ cũng được các đại biểu hết sức quan tâm. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước. Vấn đề đặt ra là phải phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày để giới trẻ nhận thức rõ “hòa nhập chứ không hòa tan”.
Để giải quyết các mặt còn hạn chế, các đại biểu đưa ra giải pháp: Việt Nam cần xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc riêng; có quy hoạch về cơ sở hạ tầng cho các hoạt động văn hóa phù hợp với văn hóa nước nhà; đào tạo đội ngũ quản lý, nguồn nhân lực về chuyên ngành văn hóa có chuyên môn tốt để xây dựng, quản lý và định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thu Thủy