Kể từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu.
Trong đó có Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hoà Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Mai Xuân Minh cho biết, bắt đầu từ cuộc vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế theo lời kêu gọi của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế, đứng đầu là các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức... để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.
Đáng chú ý, trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Huế.
Bên cạnh nguồn lực trong nước, việc tiếp cận, giới thiệu, hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích Cố đô Huế ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO Waseda - Nhật Bản về trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn) và việc phục hồi điện Cần Chánh.