Giải quyết vấn nạn môi trường du lịch: Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm
Cập nhật: 07/06/2013
Ngày 6/6, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (BCĐ NNVDL) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường DL ở Việt Nam tại trụ sở Văn phòng Chính phủ.


UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng BCĐ NNVDL chủ trì hội nghị trực tuyến

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Phó trưởng BCĐ NNVDL điều hành Hội nghị. Hội nghị còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực BCĐ NNVDL; các ủy viên BCĐ NNVDL đại diện các Bộ, ngành, Tổng cục Du lịch… 63 đầu cầu ở 63 tỉnh/ thành phố có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh/ thành và các sở, ngành, quận, huyện, thị trực thuộc…

Chưa bao giờ (kể từ khi thành lập), chỉ trong vòng gần 2 tháng BCĐ NNVDL họp liền 2 cuộc để đánh giá tình hình phát triển DL trên toàn quốc và đưa ra các giải pháp chấn hưng. Và đây cũng là lần đầu tiên hội nghị chuyên đề về vấn đề cải thiện môi trường DL được tổ chức với sự tham gia của 63 tỉnh/ thành phố với những người phụ trách hoặc có trách nhiệm cao nhất ở địa phương về phát triển DL.

Vấn nạn môi trường du lịch tồn tại đã nhiều năm

Ở địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về vấn đề phát triển du lịch và môi trường du lịch. Ở Trung ương, tôi và Bộ trưởng Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, người làm DL ở địa phương, doanh nghiệp, người dân cũng phải tham gia hoàn thiện môi trường du lịch. Nếu địa phương nào thấy du lịch là ngành đặc thù, cần phải tách riêng thì làm đề án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân)

Báo cáo của BCĐ NNVDL cho thấy, mặc dù tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên DL nhân văn của nước ta đa dạng, phong phú, đặc sắc nhưng lại nằm rải rác, tản mạn và chưa có quy hoạch, đầu tư mang tính chuyên nghiệp để phục vụ DL. Vì thế mà môi trường DL còn nhiều bất cập, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, vệ sinh môi trường không sạch sẽ, thiếu nhà vệ sinh phục vụ khách DL…

Những vấn nạn trong môi trường DL như chèo kéo, ép khách, đeo bám khách, cướp giật, lừa đảo…đã và đang tác động xấu đến hình ảnh, điểm đến DL, là thách thức với ngành DL Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, chính quyền một số địa phương và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Tình hình cướp giật, xâm hại tài sản, tính mạng của du khách vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn các thành phố lớn, gia tăng về số vụ và tính chất mức độ nguy hiểm, thường tập trung vào các ngày lễ, tết và các sự kiện lễ hội văn hóa, chính trị.

Một số vụ cướp giật có tính chất táo bạo được báo chí và internet phản ánh đã tác động tiêu cực đến tâm lý của khách du lịch khi đến Việt Nam. Tình trạng “chặt chém”, ép khách du lịch, đeo bám khách đã diễn ra từ nhiều năm nay tại nhiều thành phố DL phát triển, đặc biệt ở một số điểm DL như: Bãi Cháy, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng)... nhất là vào những dịp lễ tết dài ngày, khách du lịch đông và tăng cao.

Tình trạng ăn chặn tiền của tài xế taxi trở thành “hiện tượng” gây bức xúc trong du lịch xã hội và báo chí. Tình trạng chèo kéo, bán hàng rong cũng đã tồn tại nhiều năm nhưng không giải quyết được vì liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, giải pháp chỉ mang tính tạm thời vì không giải quyết được công ăn việc làm của các đối tượng vi phạm (chủ yếu là người có thu nhập rất thấp, không nghề nghiệp...).

Đây là tình trạng bất cập kéo dài nhiều năm, là vấn đề của xã hội chứ không riêng của ngành DL, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Tại sao Đà Nẵng, Hội An là điểm đến an toàn, trong khi đó một số địa phương (như kể trên) thường xảy ra tình trạng ăn xin, đeo bám, chèn ép khách du lịch? Điều này có thể khẳng định, sự quyết liệt giải quyết tình trạng này của chính quyền địa phương là quan trọng và hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy ở đâu, địa phương chỉ đạo sát sao, quyết liệt, phân công cụ thể, có phương án tổ chức, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời với đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, cộng đồng trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu thì ở đó môi trường du lịch trở nên an toàn, thân thiện.

Những bức xúc, vấn nạn trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ thực tế khách quan và chủ quan mà trước hết là do buông lỏng quản lý của chính quyền, các cấp, ngành của một số địa phương: Chồng chéo trong quản lý dẫn đến nhiều cơ quan quản lý mà thiếu đầu mối chịu trách nhiệm chính. Thiếu thông tin cảnh báo đến du khách. DL Việt Nam còn mang nặng tính mùa vụ. Người kinh doanh và người dân thực hiện nếp sống văn minh, ý thức pháp luật không nghiêm. Đạo đức nghề nghiệp (trong kinh doanh dịch vụ) không được coi trọng. Do quá tải, cung vượt quá cầu trong các dịp lễ, tết. Thiếu sự điều tiết tổng thể từ Trung ương tới địa phương, mạnh ai, người đó làm. Khó khăn của nền kinh tế gây ảnh hưởng xấu, trong khi đó chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Giá thành tour cao, thiếu các trung tâm dịch vụ uy tín, cótầm cỡ quốc tế nên không đủ sức hấp dẫn với khách và khó cạnh tranh với các nước trong khu vực…

Cần hành động ngay

Năm 2015, giảm 30% số vụ xâm hại tài sản, tính mạng khách DL

Đề án Cải thiện môi trường DL Việt Nam nhằm khẳng định hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; hạn chế tới mức tối đa tình trạng cướp giật, ép giá, theo bám, chèo kéo khách du lịch; tạo cơ hội, tiện nghi, tăng cường dịch vụ DL mang ấn tượng Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, triển khai có hiệu quả chiến dịch “Du khách chính là người thân của mình” hoặc chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”. So với năm 2013: Giảm 30% số vụ việc xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch; đảm bảo ổn định giá cả dịch vụ phục vụ du lịch, tăng không quá 35% các dịp cao điểm, giảm 50% số vụ bắt chẹt giá cả khách du lịch khi tham gia giao thông và các dịch vụ du lịch. Không còn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch tại các khu, điểm du lịch quốc gia. Mỗi khu, điểm du lịch quốc gia, mỗi địa phương xây dựng, hoàn thiện, vận hành ít nhất 1 khu, điểm dịch vụ phục vụ du lịch kiểu mẫu. 100% các khu, điểm, tuyến du lịch có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn môi trường phục vụ khách du lịch. Có ít nhất 1 chương trình nghệ thuật có quy mô, thường xuyên thu hút khách du lịch tại các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TP.HCM…

Tất cả các địa phương và Bộ, ngành liên quan đều nhất trí và ủng hộ cao 10 giải pháp cần làm ngay mà BộVHTTDL đưa ra nhằm chấn chỉnh và cải thiện môi trường DL Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng hoan nghênh Bộ VHTTDL đã đưa ra 4 nhiệm vụ chính, 14 giải pháp cụ thể trong đó có 10 giải pháp cần làm ngay rất trúng và kịp thời trong giai đoạn hiện nay để cải thiện môi trường DL, củng cố hình ảnh và thương hiệu DL Việt Nam trong mắt khách DL trong và ngoài nước.

Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương cung cấp thông tin chính xác về y tế, an ninh… qua internet và các ấn phẩm, cẩm nang du lịch để du khách lựa chọn, phòng ngừa. Lập danh sách công bố công khai các địa điểm dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo các địa điểm không nên đến.

Lắp biển chỉ dẫn, cảnh báo cho du khách về những rủi ro có thể gặp phải về y tế, an ninh, đồng thời niêm yết công khai các quy định về dịch vụ DL tại các khu, điểm DL, nhà ga, bến cảng; lắp camera cố định tại một số địa điểm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin tranh giành khách, ép mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho khách DL.

Rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại hoạt động kinh doanh dịch vụ DL tại tất cả các điểm tham quan DL trên địa bàn. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu lắp đặt các biển báo, cấm đậu xe, bán hàng rong.

Chấm dứt tình trạng dựng quán, bán hàng rong, ăn xin tranh giành khách, ép mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho khách DL. Rà soát, hướng dẫn, tổ chức cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách DL cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm tại các địa phương, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng.

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại, nhất là du khách người nước ngoài; tuyên truyền vận động người bán hàng rong không nên ép giá, lừa đảo, có hành động chèo kéo, đeo bám du khách; tổ chức phối hợp xác minh ngay để truy xét bắt đối tượng, ngăn chặn tình trạng bán hành rong, lấn chiếm vỉa hè.

Nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát du lịch để đề nghị Bộ Công an đề xuất Chính phủ thành lập hoặc nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu tổ chức theo hướng phân công lực lượng chuyên trách về an ninh trật tựdu lịch. Tăng cường hơn nữa các đội đặc nhiệm hình sự tuần tra, kiểm soát tại các ngả đường, tuyến điểm du lịch ngăn chặn tình trạng cướp giật.

Thành lập các Trung tâm hỗ trợ du khách (Visitor Center) phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt là các trung tâm DL lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà… Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, chính quyền địa phương, hiệp hội về đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép giá khách DL.

Triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm khách DL, tập trung tại các nhà ga, bến cảng, khu, điểm DL tập trung đông khách DL. Tập trung xây dựng và hoàn thành hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo môi trường phục vụ khách DL tại các khu, điểm DL.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch

“Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Bộ VHTTDL khi xây dựng báo cáo, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị này và đề ra những giải pháp rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay để phát triển DL. Mọi giải pháp và chương trình hành động của BCĐ NNVDL, ngành DL thời gian tới đều để khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, văn minh. Qua đó, chúng ta có thể thực hiện chiến dịch “Du khách chính là người thân của mình” hoặc “Nụ cười Việt Nam” hay “Khách du lịch cười, chúng tôi hạnh phúc”...

Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an toàn cho khách DL (thực hiện trong khoảng 3 năm). Bộ VHTTDL sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về phát triển DL trình Chính phủ phê duyệt. Đề nghị các địa phương triển khai các chương trình hành động cụ thể, thành lập các trung tâm hỗ trợ khách du lịch, có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở địa phương và trung ương, trong đó quy định rõ trách nhiệm của địa phương, của Bộ, ngành. Nhưng trước hết, ở địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về vấn đề phát triển du lịch và môi trường du lịch. Ở Trung ương, tôi và Bộ trưởng Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, người làm DL ở địa phương, doanh nghiệp, người dân cũng phải tham gia hoàn thiện môi trường DL. Nếu địa phương nào thấy DL là ngành đặc thù, cần phải tách riêng thì làm đề án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tạm thời, chưa thể thành lập ngay lực lượng cảnh sát du lịch, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương từ nay đến hết quý IV.2013 thí điểm giao nhiệm vụ thêm cho lực lượng công an, cảnh sát tham gia vào quản lý, chấn chỉnh hoạt động DL. Bộ VHTTDL xây dựng văn bản xử phạt hành chính liên quan đến DL, cuối quý III.2013 trình Chính phủ. Đề xuất thành lập chợ DL của một số địa phương rất hay, nên thí điểm thực hiện ở các trung tâm DL lớn. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng, tham gia và được công nhận là dịch vụ DL đạt chuẩn. Các địa phương giải quyết ngay đội ngũ cò mồi. Đồng thời tập huấn nâng cao nhận thức, phát huy năng lực cộng đồng cho người dân và doanh nghiệp trong cải thiện môi trường DL. Nâng cấp hệ thống xe bus phục vụ người dân và du khách; tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của “taxi dù” bằng gắn chíp điện tử và theo dõi qua camera. Các hãng lữ hành và các cây xăng phối hợp xây dựng trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn, các địa phương và ngành DL hỗ trợ, kiểm tra, giám sát”. (Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị)

 

Báo Văn hóa