(TITC) - Sáng 9/6/2013, tại khách sạn Havana Nha Trang (Khánh Hoà) đã diễn ra hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” do UBND tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch biển, đảo quốc tế Nha Trang - Việt Nam 2013.
Toàn cảnh hội thảo (Nguồn ảnh: qdnd.vn)
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh Duyên hải miền Trung, từ đó đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp, góp phần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương cũng như của toàn vùng trong thời gian tới.
Ngoài lãnh đạo của 9 tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận), hội thảo còn có sự tham gia của trên 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh…; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các tổ chức, hiệp hội, trung tâm xúc tiến du lịch; các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước; các nhà đầu tư lớn cùng hàng trăm phóng viên báo chí trong nước…
Duyên hải miền Trung là khu vực có nhiều bãi biển đẹp
Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao vai trò và tiềm năng du lịch của các tỉnh Duyên hải miền Trung. Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch biển, đảo; lại là nơi hội tụ của 5 di sản thế giới như: Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Duyên hải miền Trung là khu vực có nhiều thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử… Nơi đây đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2012, tổng lượng khách du lịch đến vùng này đạt gần 17 triệu lượt, trong đó có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch toàn vùng đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động kinh doanh du lịch ở khu vực này vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương nên sản phẩm du lịch vẫn còn mang tính manh mún, chưa khẳng định được thương hiệu đặc trưng của vùng. Bên cạnh đó, những khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch, vốn đầu tư… cũng là những hạn chế khiến ngành du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Xuất phát từ thực trạng đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm giúp khu vực Duyên hải miền Trung tìm ra hướng đi đúng đắn, phù hợp cho sự phát triển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng như: nỗ lực xúc tiến quảng bá các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu toàn vùng; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu du lịch giữa các địa phương; thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cũng như đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch vùng; liên kết hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông với tuyến đường ven biển phục vụ du lịch; rà soát lại quy hoạch ngành du lịch của các địa phương trong vùng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cho toàn vùng…
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch vùng Duyên hải miền Trung giữa đại diện một số doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành và các doanh nghiệp vận tải; giới thiệu sách quảng bá 100 sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung.
Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện, sâu rộng của du lịch các địa phương và khu vực trong thời gian tới.
Phạm Phương