Vịnh Hạ Long, với thế mạnh của mình, từ lâu đã được các đơn vị làm du lịch quan tâm mở các tour, tuyến phục vụ khách tham quan. Thế nhưng, với vịnh Bái Tử Long, mặc dù cũng là điểm đến đầy hấp dẫn, song lại chưa được như vậy! Và để khai thác tiềm năng du lịch này, mới đây một số tour, tuyến, điểm du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long đã được khai thác...
Đến nay, sau một thời gian tiến hành triển khai, các đơn vị chức năng đã đưa ra 3 tuyến du lịch và 3 điểm lưu trú trên vịnh Bái Tử Long để đề nghị được tỉnh công nhận. Cụ thể, tuyến du lịch thứ nhất là Hạ Long - Công viên Hòn Xếp. Tuyến du lịch này xuất phát từ các cảng, bến tại TP. Hạ Long, qua các điểm tham quan Hang Cỏ, Hang Thầy, Cống Đỏ, Cặp La, Khu sinh thái Tùng Áng, Công viên Hòn Xếp. Tổng chiều dài hành trình của tuyến khoảng 30km; thời gian đi, về từ 6-8 tiếng đồng hồ. Tuyến thứ hai là Vũng Đục - Công viên Hòn Xếp, tổng chiều dài 15km, thời gian hành trình 4 tiếng đồng hồ. Tuyến thứ ba là Cái Rồng - Minh Châu, tổng chiều dài 18km, thời gian hành trình khoảng 6 tiếng đồng hồ, xuất phát từ cảng Cái Rồng, qua các điểm tham quan Vụng Lỗ Ố, Vườn quốc gia Ba Mùn, Bãi tắm Minh Châu. Còn 3 điểm du lịch lưu trú bao gồm: Điểm lưu trú tại công viên Hòn Xếp, điểm lưu trú tại Đảo Vạn Cảnh và điểm lưu trú tại Vụng Lỗ Ố.
Để các tuyến, điểm du lịch trên vịnh Bái Tử Long sớm đi vào hoạt động, mở rộng không gian du lịch, phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch của vịnh Bái Tử Long, các đơn vị hữu quan như Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Công an tỉnh, cùng TP. Cẩm Phả, huyện Vân Đồn đã tích cực triển khai theo từng nội dung công việc phân công.
Theo đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã mời đại diện các công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong nước đến khảo sát, đầu tư khai thác và đưa khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên vịnh Bái Tử Long. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp để đầu tư các phương tiện, cơ sở hạ tầng có quy mô, chất lượng đảm bảo an toàn; chủ động cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có định hướng nghiên cứu, cung cấp các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc trưng của khu vực và tạo sự khác biệt để thu hút du khách. Sở Giao thông - Vận tải đã tiến hành triển khai khảo sát quy mô đầu tư, bao gồm xây dựng cơ bản ban đầu hệ thống phao, cột báo hiệu đường thuỷ… để đủ điều kiện công bố các tuyến đường thuỷ nội địa tới các điểm tham quan, lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu tham quan và lưu trú; chuẩn bị lực lượng cảng vụ để triển khai công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải trên vịnh. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã xây dựng phương án quy hoạch và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng tại điểm, khu vực hoạt động dịch vụ, giải trí trên vịnh Bái Tử Long...
Qua thực tế cho thấy, việc mở rộng các tuyến tham quan, du lịch ra vịnh Bái Tử Long đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị lữ hành, công ty du lịch cũng như đông đảo du khách. Bà Hoàng Thị Bích Nguyệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, một đơn vị kinh doanh tàu nghỉ đêm trên vịnh cho rằng, việc đầu tư các điểm lưu trú trên vịnh Bái Tử Long là rất quan trọng nên các cơ quan chức năng cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, đầu tư phải nằm trong khuôn khổ quy hoạch phát triển du lịch của địa phương, có tầm nhìn quốc gia và được sự đồng thuận của chính quyền cũng như bà con ngư dân nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá cũng như địa chất, địa mạo của vịnh Bái Tử Long. Bà Nguyệt cũng cho biết thêm, việc phát triển các loại hình dịch vụ cần phải xác định rõ đối tượng khách mà mình hướng tới, những đặc tính tâm lý, văn hoá của du khách để từ đó xây dựng gói sản phẩm phù hợp. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng chia sẻ rằng, khi các tuyến, điểm du lịch trên vịnh Bái Tử Long được công bố, đưa vào khai thác cần quan tâm đến phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cảng, bến đón khách an toàn, khang trang, hiện đại là việc làm không thể thiếu. Đây là việc làm cần có quy hoạch của địa phương, sự tham gia, góp ý của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, kết hợp với nguồn lực tài chính từ chính các đơn vị kinh doanh tàu theo phương thức đầu tư xã hội hoá. Ngoài ra, việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, sự kết nối tạo sự đa dạng cho các tuyến điểm, hệ thống dịch vụ du lịch đặc biệt yếu tố phục vụ đem đến sự hài lòng cho du khách là yếu tố không thể thiếu khi các tuyến điểm được công bố, đưa vào hoạt động và khai thác.
Việc mở rộng các hoạt động phục vụ khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Bái Tử Long có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cùng sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp, hy vọng khi các tour, tuyến mới đi vào hoạt động sẽ mở rộng thêm không gian du lịch, mang lại những sản phẩm du lịch hấp dẫn và độc đáo cho du khách khi đến Quảng Ninh...