Quảng Ninh ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường bền vững
Cập nhật: 20/06/2013
Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng có định hướng quy hoạch du lịch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh - bền vững.  

Trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có bước phát triển nhanh chóng và dần khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp cho ngân sách địa phương với tỷ lệ ngày càng tăng. Sự phát triển của du lịch ở Quảng Ninh đã thúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng cũng chính từ việc mở rộng đô thị tại TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả và một số địa phương khác, hoạt động khai thác và kinh doanh than, các hoạt động kinh tế trên và ven bờ vịnh, nhà bè cư trú, nuôi trồng thủy sản trên vịnh, hoạt động kinh doanh du lịch… đã gây những sức ép không nhỏ đối với việc quản lý, bảo tồn di sản - kỳ quan vịnh Hạ Long, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Trước thực trạng như hiện nay, để khai thác, phát triển du lịch vịnh Hạ Long một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường di sản, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các chủ dự án đầu tư phát triển du lịch, trong thiết kế phải đặt khâu BVMT sinh thái lên hàng đầu. Đồng thời, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phầm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Cụ thể, tại Quảng Ninh, du lịch xanh đã xuất hiện từ 3 năm trở lại đây. Tiên phong trong việc khai thác loại hình du lịch này là Công ty CP Du thuyền Đông Dương. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa khách khám phá các làng chài bằng thuyền nan, tổ chức cho khách câu cá, kéo lưới và mới đây doanh nghiệp này còn đưa ra sản phẩm mới “một ngày làm nông dân”, đưa du khách về xã Yên Đức (Đông Triều) “ba cùng” với nông dân - cùng ăn, cùng ở và cùng làm các công việc hàng ngày như: gặt lúa, làm vườn…, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Những chuyến đi dân dã như thế luôn tạo ra sự trải nghiệm thú vị cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa Việt ở Quảng Ninh.

Bên cạnh việc khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phầm du lịch hấp dẫn, trong thời gian qua, các doanh nghiệp làm du lịch đã trích nguồn kinh phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tài trợ hoạt động BVMT ngay tại các làng chài trên vịnh như giúp người dân ở làng chài mua sắm trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ việc BVMT; phân phát tài liệu hướng dẫn ngư dân BVMT trên biển; xây dựng thư viện sách nhằm nâng cao ý thức xây dựng môi trường xanh...

Nhờ làm tốt công tác BVMT, thương hiệu du lịch Quảng Ninh ngày càng được khẳng định. Năm 2012, Quảng Ninh đón hơn 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch của Quảng Ninh năm 2012 đạt 4.341 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón trên 4,2 lượt khách, đạt 56,9% kế hoạch năm và tăng 21% so với cùng kỳ.

Nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư đối với việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị Di sản văn hóa vịnh Hạ Long, trong đó tăng cường công tác BVMT sinh thái, đa dạng sinh học, Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII cũng đã đưa ra những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể như: đổi mới phương thức tổ chức quản lý vịnh Hạ Long; bảo vệ môi trường sinh thái của vịnh Hạ Long, trong đó chú trọng công tác bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; hoàn thành việc sắp xếp, di dời dân cư nhà bè sinh sống trên vịnh Hạ Long; trên 90% rác thải trên vịnh Hạ Long được thu gom và đưa về bờ xử lý; 100% nhà bè, các công trình nổi được phép hoạt động trên vịnh Hạ Long phải được sử dụng vật liệu nổi bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có giải pháp khắc phục các hoạt động gây tác động tiêu cực đối với môi trường vịnh Hạ Long như than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, phát triển đô thị...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tổng thể và nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp... trên địa bàn; có giải pháp khoa học, hiệu quả để xử lý nước la canh đối với tàu du lịch...

http://www.quangninh.gov.vn
Từ khóa:
Quảng Ninh,