Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sau 15 năm triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến đáng kể trong đời sống xã hội.
Dinh III (TP. Đà Lạt)
Công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam theo 5 đức tính cơ bản được gắn với thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành nhiều tập thể điển hình, những cá nhân tiêu biểu. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa được đẩy mạnh.
Toàn tỉnh có 87 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 916 thôn, buôn, tổ dân phố, khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được chú trọng. Toàn tỉnh có 20 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh; 17 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận...
Từ năm 1998 đến nay, thông qua các nguồn vốn đầu tư về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, Lâm Đồng đã thực hiện hàng chục đề tài khoa học, các dự án về văn hóa về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Hàng năm duy trì tổ chức Lễ hội Văn hóa Cồng chiếng cấp tỉnh; phục dựng và tổ chức hàng trăm lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số, các lễ hội truyền thống, văn hóa, Festival…. Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng thông tin đại chúng; hợp tác giao lưu văn hóa… được đẩy mạnh. Lâm Đồng đã đầu tư gần 40 tỉ đồng từ ngân sách cho văn hóa và các hoạt động văn hóa.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa chưa đầy đủ; chưa đặt văn hóa đúng vị trí là nền tảng, động lực của sự phát triển... nên sự quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa chưa thỏa đáng; vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các quy định, quy ước, chuẩn mực về nếp sống văn minh, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong cơ quan, đơn vị chưa được phát huy; do đó, chưa có tác dụng tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân...