(TITC) - Với hệ thống các giá trị văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương hiện còn được lưu giữ đến nay, bao gồm 281 di tích được xếp hạng (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia và 207 di tích cấp tỉnh) có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, Phú Thọ được xem là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, nơi các Vua Hùng chọn làm đất đóng đô và xây dựng Nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, lễ hội với 260 lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử cách mạng kháng chiến và 05 lễ hội tôn giáo; 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ tại địa phương, trong đó có 30 lễ hội được xếp loại A theo tiêu chí của Cục Di sản văn hóa, như: lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan, lễ hội Trò Trám, hội bơi chải Bạch Hạc… được gắn kết với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng như: thờ cúng Hùng Vương, Mẹ Âu Cơ, Thiều Hoa công chúa… thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Đặc biệt, Phú Thọ còn có 2 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “Hát Xoan” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Ngoài ra, Phú Thọ còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng các tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc như: Vườn quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đầm Ao Châu… Vùng đất này cũng là nơi lưu dấu nhiều di tích lịch sử cách mạng như: chiến khu cách mạng Hiền Lương, chiến khu Vạn Thắng, vùng căn cứ địa chiến khu 10 Hạ Hòa…
Những tiềm năng, thế mạnh trên chính là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Hàng năm, lượng khách đến Phú Thọ tập trung chủ yếu vào dịp diễn ra các lễ hội đầu Xuân, đặc biệt là lễ hội Đền Hùng (10/3 âm lịch). Năm 2012, du lịch Phú Thọ đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt khách (tăng 1,7% so với năm 2011); 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,8 triệu lượt khách. Do vậy, vấn đề đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch luôn được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm.
Năm 2012, hệ thống cơ sở kinh doanh lưu trú phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 202 cơ sở (tăng 11,6% so với năm 2011) với 29 khách sạn, 173 nhà nghỉ, 2.754 buồng; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó 01 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; 45 nhà hàng lớn phục vụ khách, trong đó có 02 nhà hàng đạt tiêu chuẩn nhà hàng du lịch.
|
Thời gian qua, để đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch, tỉnh Phú Thọ đã tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong hoạt động kinh doanh; hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, thực hiện tiêu chí Nhãn Bông sen xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội…; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ để tuyên truyền phổ biến bảo vệ môi trường du lịch; phối hợp với Dự án EU, Vụ Khách sạn (TCDL) tổ chức hội thảo du lịch có trách nhiệm với môi trường dành cho các cơ sở lưu trú du lịch; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành; yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết niêm yết giá, thực hiện các quy định về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phong cách ứng xử; phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2013; hướng dẫn xây dựng các nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch đạt chuẩn... Ngoài ra, Sở VHTTDL Phú Thọ còn phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời những hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận đối với khách du lịch; giải quyết triệt để vấn đề nâng giá, ép giá, các hành vi gian lận thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân…
Nhờ những hành động thiết thực trên, những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trong hoạt động du lịch của Phú Thọ đã được cải thiện rõ rệt: không còn hiện tượng ăn xin trong mùa du lịch; hạn chế hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách; các cơ sở lưu trú du lịch phần lớn thực hiện tốt quy định không nâng ép giá; các quầy bán hàng thực hiện niêm yết giá; các khu, điểm du lịch như đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ đã quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, đặt các thùng rác, các nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại nhất định như: tại các điểm du lịch lễ hội vẫn còn hiện tượng tổ chức vui chơi có thưởng trá hình mang tính chất cờ bạc; sử dụng loa phóng thanh quảng cáo mua bán hàng hóa gây mất trật tự; vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá cao hơn bình thường; các nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng phục vụ khách trong mùa cao điểm; ý thức bảo vệ môi trường của du khách còn hạn chế…
Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ tiếp tục quan tâm thúc đẩy việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch; phối hợp với Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng tham gia hoạt động dịch vụ, du lịch cho cán bộ, nhân viên, người dân địa phương tại một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Hi vọng, với những biện pháp kịp thời, thời gian tới, Phú Thọ sẽ khắc phục được vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, để hình ảnh du lịch Phú Thọ ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Bài: Phạm Phương; ảnh: Anh Dũng