Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội gìn giữ vốn văn hóa quý báu của dân tộc
Cập nhật: 17/07/2013
Nhịp sống hiện đại dường như có phần khiến con người ngày càng xa rời với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Trong vòng quay đó, ca trù cũng chật vật tìm chỗ đứng trên chính mảnh đất đã sản sinh ra môn nghệ thuật độc đáo này.

Năm 2009, ca trù chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm hỗ trợ để bảo tồn, đồng thời làm sống dậy một loại hình nghệ thuật đặc sắc được xem là có sức ảnh hưởng lớn nhất trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tuy vậy, các nghệ nhân dân gian nặng tâm huyết cùng với những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc vẫn còn băn khoăn, trăn trở để làm sao Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này thực sự trở thành một trong những món ăn tinh thần phục vụ cho đời sống văn hóa của người dân, điều mà nghệ thuật ca trù đã làm được vào những năm của thế kỉ 19.

Năm 1990, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội được thành lập nhằm tạo nên một không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ nghệ nhân dân gian có niềm đam mê với môn nghệ thuật diễn xướng của dân tộc, đồng thời cũng là nơi trao truyền lại cho các thế hệ đi sau những kinh nghiệm và bài học quý báu của nghề, để từ đó lưu giữ và phát triển tiếp tục những tinh hoa nghệ thuật của cha ông. Kể từ khi được thành lập, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã liên tục tổ chức các buổi biểu diễn cũng như duy trì nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù. Năm 2012, đào nương Lê Thị Bạch Vân, Giám đốc Câu lạc bộ được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú bởi những cống hiến với môn nghệ thuật truyền thống này. Đây chính là động lực để các nghệ nhân dân gian tiếp tục lao động và cống hiến, đồng thời không ngừng tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm những giai điệu và ca từ mới phù hợp hơn với hơi thở đương đại

Hiện tại, với những nỗ lực của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, các đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống ca trù vẫn được diễn ra đều đặn vào mỗi tối thứ 7 tại Hoàng Cầu. Tại đây, khán giả có thể thưởng thức buổi biểu diễn “Bạch Vân ca trù và những người bạn”. Các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như Ngọc Anh (sáo), Thu Hà (tam thập lục), Thành Nam (trống), Bá Hải (đàn đáy) sẽ thể hiện các làn điệu ca trù kinh điển, cũng như các tác phẩm đương đại không lời. Không gian nhỏ xinh và rất thân mật này sẽ giúp khán giả gần gũi với nghệ sĩ hơn, và có trải nghiệm nghe nhạc vừa ấm cúng vừa trân trọng khó có ở nơi nào khác. Đáng lưu ý, chương trình này hoàn toàn miễn phí. Hy vọng, công sức của những nghệ nhân dân gian sẽ được đáp lại bằng sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả, để họ có thêm động lực trên con đường bảo vệ di sản quốc gia.

Công việc bảo tồn, tìm tòi, sáng tạo có thể là của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân dân gian, nhưng sức sống, lan tỏa và hội nhập quốc tế lại nằm ở chính ở sự ủng hộ của người dân. Đã đến lúc, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần có trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống của ông cha, bởi nó chính là thứ “vốn“ thiêng liêng mà các thế hệ đi qua đã trao truyền lại. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản của dân tộc là một công việc đòi hỏi sự đồng lòng của cả dân tộc, không phải thực hiện ngày một ngày hai một cách máy móc, phong trào, mà phải bằng tình yêu, đam mê mà cả cộng đồng dành trọn cho nó.
ĐCSVN