Vừa qua, tại Công viên quốc tế Hoàng Gia (TP. Hạ Long), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật dân tộc phục vụ khách du lịch.
Buổi biểu diễn gồm 8 tiết mục múa, được thực hiện với sự phối hợp giữa các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh và Đội Biểu diễn nghệ thuật dân tộc của Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia.
Được biết, đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình này gồm: Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, các đơn vị tổ chức lữ hành, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Chương trình biểu diễn bao gồm các tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang bản sắc văn hoá dân tộc như: múa rối nước, các điệu múa của dân tộc Chăm, dân ca Quan họ, đàn đá, đàn bầu, sáo mèo và một số điệu múa, nhạc cụ dân tộc khác… Ngoài ra, “gói sản phẩm” du lịch đặc biệt này sẽ được cập nhật, bổ sung thêm dựa trên đặc trưng văn hoá địa phương và nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ của du khách… Đây là một chiến lược đúng đắn, thiết thực, đúng như chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh uỷ, tại Đại hội Khoá 2 của Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh vừa diễn ra: “Văn hoá, văn nghệ dân gian cần đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội bằng cách tạo ra sản phẩm văn hoá dân gian, xây dựng một nền văn hoá đặc sắc để trở thành sản phẩm du lịch. Văn hoá, văn nghệ và văn học dân gian cần phải trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của Quảng Ninh. Làm được việc này là chúng ta đã thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V (Khoá VIII)”.
Tuy nhiên, cũng từ đêm diễn thử nghiệm này, nhiều khó khăn đã bộc lộ cần tiếp tục tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất là nếu tổ chức biểu diễn ở Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật thì trang thiết bị còn tạm được, nhưng lại không thuận tiện cho sự đi lại của du khách; ngược lại, biểu diễn ở Công viên quốc tế Hoàng Gia thì được cái lợi là tiện cho du khách nhưng các thiết bị phụ trợ như âm thanh, ánh sáng sân khấu... lại chưa đảm bảo. Hầu hết trang thiết bị đã cũ kỹ, không được bổ sung; hệ thống âm thanh ánh sáng thiếu, không đồng bộ, sân khấu nhỏ hẹp, không đủ mái che khi trời mưa... Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh, là sự đầu tư cho diễn viên còn hạn chế, anh chị em còn chưa thực sự yên tâm với nghề. Việc liên kết giữa một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với một đơn vị kinh doanh du lịch đã bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan, từng bước khắc phục những khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn.
Theo ông Nguyễn Minh Hà, Chủ nhiệm Đội biểu diễn nghệ thuật dân tộc Công viên quốc tế Hoàng Gia (đơn vị này diễn thường xuyên vào các buổi tối), mỗi đêm diễn cũng có được khoảng từ 200 đến 300 khách, phần nhiều là khách nước ngoài, thu về cũng vài chục triệu đồng. Khách nước ngoài đều rất thích thú khi xem biểu diễn. Lần này diễn viên của Công ty kết hợp với một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để biểu diễn thì cả hai sẽ phát huy được những thế mạnh của mình, đem lại nhiều món ăn tinh thần đặc sắc và phong phú cho du khách. Còn theo ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, để chương trình có hiệu quả tốt hơn nữa, bước tiếp theo là cần phải huy động mọi nguồn lực của các đơn vị, hoà phối kết hợp với nhau. Cùng với đó, phải đưa nhiều tiết mục múa, đưa các nhạc cụ đặc sắc của dân tộc vào biểu diễn, làm cho các tiết mục biểu diễn thêm phong phú, tránh cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách…