Từ trên đèo Ngoạn Mục nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những chặng thông là con đường ngoằn ngoèo rắn lượn. Hai dải núi cao ôm bọc lấy thung lũng Phan Rang chạy ra tận biển. Những ngày đẹp trời có thể thấy đường bờ cát trắng và nhấp nhô những con sóng lăn tăn. Chính vì vậy, người ta gọi con đường này là đèo Ngoạn Mục. Có lẽ đến đây du khách sẽ thấy mình bé nhỏ trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ và sẽ nhận thức được khả năng của con người trong việc chinh phục thiên nhiên. Nơi đây còn có nhà máy thủy điện Đa Nhim với 2 đường ống dẫn nước trông xa như 2 vệt sơn trắng giữa nền xanh biếc của núi rừng mà người đi Đà Lạt, từ Phan Rang lên đèo Ngoạn Mục bao giờ cũng cố để chiêm ngưỡng.
Buổi chiều phía Phan Rang rừng rực lửa tím như nho trên giàn chưa cắt, chiều se lạnh mà trời xanh ngăn ngắt. Hồ Đa Nhim khi gió dừng thổi, lặng đến im lìm, không một gợn sóng, nước thì xanh thăm thẳm. Con đập thẳng tắp ngăn đôi bình nguyên Đơn Dương nối hai sườn núi dài 1.460m, cao sừng sững 38m, đáy rộng 180m, đỉnh còn 6m, tích nước từ hai sông Đa Nhim và Kronglet hòa vào. Hồ Đa Nhim có diện tích 9,7km², ở độ cao xấp xỉ 1.042m. Nước từ hồ theo hai đường hầm bê tông xuyên núi dài 5km tới chóp núi thì ùa vào hai ống thép có đường kính 2m (càng xuống càng nhỏ dần còn 1m), vận hành bốn tuôcbin sản sinh thêm 7.880kW điện, đủ dùng cho cả tỉnh Ninh Thuận
Thời tiết ở Đa Nhim đan xen giữa ôn đới và nhiệt đới, nắng mưa luân chuyển như tính khí của cô gái mới yêu. Ở chân đèo Ngoạn Mục, mưa tuôn sương giăng mờ mịt, lúc đó hai rồng bạc nhòa mờ... Nhưng đừng thất vọng, hãy kiên nhẫn đứng dưới tán xoan chờ một chút. Mưa tạnh, trời hửng mây tan, đôi rồng bạc lại uốn khúc lộ từng đoạn lấp lóa trong màu xanh của núi rừng.