Đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì bên cạnh việc thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ các vị có công với nước chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13), đó là một số tướng người dân tộc ở địa phương.
Thời phong kiến, Chư thần Đông Cuông được bốn đời vua phong sắc về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho phụng thờ các vị chư thần tại đền.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Đông Cuông chịu nhiều sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh. Sau nhiều năm tôn tạo, tu bổ, đền Đông Cuông toạ lạc khang trang trên nền cũ. Kiến trúc đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... được trạm khắc tỷ mỷ hình tứ linh và hoa lá. Các bức trạm khắc tinh vi đạt trình độ cao cả về kỹ thuật phục chế và mỹ thuật.
Khuôn viên của đền được mở rộng, cây xanh toả bóng mát sum xuê, điểm xuyết những vạt rừng đào, rừng mận đang mùa hoa nở rộ. Mặt đền quay về hướng Nam, địa thế tựa vào hình sông thế núi với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Con đường dốc độc đạo chạy từ phía Đông lên đền uốn mình quanh co mềm như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi khiến khung cảnh càng thêm thâm nghiêm, tĩnh mịch.
Với tín ngưỡng thờ mẫu và các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thông lịch sử, văn hoá sâu sắc. Đây là di tích lịch sử văn hoá lâu đời, điểm du lịch văn hoá, sinh thái lý tưởng dành cho du khách trong chuyến hành hương về nguồn.