Thành phố Yên Bái
Diện tích: 1.081 km²
Dân số: 95.900 người (8/2008)
Dân tộc: Kinh
Đơn vị hành chính:
- Phường: Yên Thịnh, Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc, Hồng Hà.
- Xã: Minh Bảo, Nam Cường, Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Văn Tiến, Phúc Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Hợp Minh.
Địa lý tự nhiên
Thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái. Phía bắc và phía đông giáp huyện Yên Bình, phía tây giáp huyện Trấn Yên, phía nam giáp tỉnh Phú Thọ.
Thành phố nằm bên tả ngạn sông Hồng, với cấu tạo địa hình gồm dải phù sa ven sông, đồng bằng phù sa, các đồi núi thấp, các thung lũng, khe suối xen kẽ đồi núi và cánh đồng chạy dọc theo triền sông.
Các yếu tố khí hậu của thành phố mang đặc trưng khí hậu chuyển tiếp của miền Tây Bắc và Việt Bắc. Nhiệt độ trung bình cả năm là 230C, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình năm là 1.755,8 mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Thành phố Yên Bái có số giờ nắng trung bình một năm là 1.278 giờ, độ ẩm trung bình năm là 87%.
Lịch sử
Thành phố Yên Bái trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Thời các Vua Hùng, mảnh đất này nằm trong bộ Tân Hưng, thời phong kiến Bắc thuộc nằm trong vùng đất Tượng Quân, Giao Chỉ rồi Phong Châu. Đến thế kỷ 11 (thời nhà Lý) thuộc châu Đăng. Thế kỷ 15 (đời Lê Thánh Tông) nằm trong lộ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá. Cuối thế kỷ 16 là một làng nhỏ bé trong tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá.
Năm 1900, Toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Yên Bái, tỉnh lỵ được đặt tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên. Thị xã Yên Bái được hình thành là trung tâm của tỉnh. Đến năm 2002, thành phố Yên Bái được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Yên Bái.
Sau nhiều lần mở rộng đến 8/2008 thành phố Yên Bái có diện tích tự nhiên là 10.815.45ha và hơn 95.800 nhân khẩu với 17 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 7 phường và 10 xã.
Tiềm năng du lịch
Thành phố Yên Bái có quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng gồm đền Tuần Quán là một ngôi đền cổ có từ thế kỷ 14 thời nhà Lê, đền - chùa Bách Lẫm, chùa Ngọc Am, nhà thờ Yên Bái.
Trên địa bàn thành phố còn có các di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia là: Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học và lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học có các hạng mục như khu lăng mộ, khu tượng đài, bia tưởng niệm, nhà đón khách và khuôn viên cây cảnh. Phần tượng đài có nhóm tuợng đài của 5 nghĩa sĩ (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang, Ngô Hải Hoàng) đứng trên một đám mây lịch sử cách điệu. Đây là các anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 với câu nói nổi tiếng: “Không thành công cũng thành nhân”. Các tượng đài đều làm bằng chất liệu bê tông phủ kẽm với chiều cao trung bình các nhân vật là 6m. Xung quanh còn có cây cảnh, hồ nước tạo nên một vẻ đẹp trang trọng của khu di tích. Lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi trong các ngày kỷ niệm trọng đại, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tập thể, cá nhân tới tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác.
Du khách thích mua sắm có thể ghé thăm chợ Yên Bái (chợ Ga) với nhiều mặt hàng phong phú.
Giao thông
Thành phố Yên Bái có một vị trí khá quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với trung du Bắc Bộ. Tuyến đường sắt liên vận quốc tế nối Hải Phòng - Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường thuỷ sông Hồng từ thành phố Yên Bái xuôi về Hà Nội rồi đi tiếp đến cảng Hải Phòng. Tuyến ngược cập bến cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Thành phố Yên Bái cách Hà Nội khoảng 180km.
|
TÌM KIẾM |
Điểm đến |
|
Vùng |
|
Tỉnh, thành phố |
|
Loại hình |
|
| | | | |
|
|
|