Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Huyện Mù Cang Chải

Diện tích: 1199 km²
Dân số: 48.700 người (năm 2005)
Dân tộc: Mông, Thái, Kinh
Đơn vị hành chính:
- Thị trấn: Mù Cang Chải
- Xã: Kim Nọi, Hồ Bốn, Chế Tạo, Khao Mang, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Nậm Khắt, Mồ Dề, Nậm Có, La Pán Tẩn và Lao Chải.

Vị trí địa lý 

Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, có tọa độ địa lý từ 21º39’ đến 21º50’ vĩ độ bắc; từ 103056’ đến 104º23’ kinh độ đông. Phía bắc Mù Cang Chải giáp huyện Văn Bàn - tỉnh Lào Cai; phía nam giáp huyện Mường La - tỉnh Sơn La; phía đông giáp huyện Văn Chấn; phía tây giáp huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu.

Điều kiện tự nhiên

Huyện Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.700m so với mặt biển, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc trung bình toàn huyện là trên 40º, có nơi dốc đến 70º.

Trên địa bàn huyện không có sông lớn mà có hàng chục khe suối bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, tạo nên mạng khe suối dày đặc. Trong số đó có suối Nậm Kim chảy xuyên suốt chiều dài huyện theo hướng Đông Nam - Tây Bắc đổ xuống sông Đà. Suối Nậm Kim quanh năm nước chảy rì rầm, chia Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, mang lại vẻ đẹp thơ mộng hiếm có cho vùng cao Mù Cang Chải. Ngoài ra có suối Nang Khú (xã Chế Tạo) dài 35km, suối Ta Sa (xã Nậm Có) dài 28km, suối Tư Sang (xã Nậm Có) dài 25km, suối Lao Chải dài 27km, suối Nậm Khắt dài 20km, suối Đình Hồ dài 12km... Cùng với hệ thống khe, suối là hàng loạt các thác nhiều tầng như: thác Nậm Mơ (Mồ Dề), Dề Thàng (Chế Cu Nha)…

Các vận động địa chất đã tạo cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao như: Púng Luông (2985m), Phu Ba (2512m), Mồ Dề (2100m)… Rừng là thế mạnh của Mù Cang Chải với diện tích khoảng 80.000ha, trong đó có rừng già, rừng nguyên sinh, rừng thông, và rừng sơn trà.

Khí hậu Mù Cang Chải mang tính chất tiểu vùng rõ rệt, mang đặc tính ôn đới, chia thành 2 mùa: mùa khô hanh và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình năm là 19ºC, mát mẻ về mùa hạ, lạnh về mùa đông.

Những thay đổi hành chính

Năm 1962 huyện Mù Cang Chải là một trong 3 huyện của tỉnh Nghĩa Lộ. Sau năm 1975, Yên Bái cùng với Lào Cai và Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Mù Cang Chải thành huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Mù Cang Chải trở thành huyện của tỉnh Yên Bái.

Văn hóa

Mù Cang Chải có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Gần 90% dân số ở đây là người Mông, còn lại là người Thái, người Kinh.

Người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ) với truyền thống văn hóa đặc sắc. Đồng bào Mông thường cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m, với kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức…

Người Mông có truyền thống văn hóa dân gian phong phú thể hiện trong làn điệu dân ca như: tiếng hát tình yêu, cưới xin, ru con, lao động sản xuất…, các phong tục, lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của đồng bào... Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được một kho tàng truyện cổ về các tục lệ, lịch sử tộc người, văn hóa tộc người thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác.

Người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết Nguyên đán cổ truyền 1 tháng). Trong những ngày tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao...Thanh niên nam nữ trang phục đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.

Người Thái ở nhà sàn. Trong đó Thái Đen nhà chỉ có một cầu thang, hai đầu hồi nhà có hai khau cút. Thái Đen mặc vải nhuộm chàm, vải đen, vải láng. Nhà sàn người Thái Trắng mái hình chữ nhật với những lan can chạy trước nhà, nơi thờ cúng thường được đặt ở góc nhà. Trang phục của người phụ nữ Thái thường mặc áo sửa cỏm, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, ve sầu, nhện gọi là mắc pém rất đẹp, khoảng giữa cạp váy và gấu áo được cuốn thắt lưng vải màu, đeo xà tích từ 4 đến 8 tua.

Kho tàng văn hóa dân gian của người Thái khá phong phú. Dân ca được thể hiện bằng các làn điệu khắp, then, khắp chiêu, khắp páo xao. Nhạc cụ sử dụng gồm các loại như pí piềng, pí tam láy, pí một lao. Múa xòe được truyền thụ qua nhiều thế hệ thường được tổ chức trong các ngày lễ hội. Các trò chơi như ném còn, đánh yến cùng các làn điệu hát giao duyên, hát đồng dao, được bảo tồn và phát huy.

Thắng cảnh du lịch

Trong những năm gần đây, Mù Cang Chải đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia. Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người.

Đến Yên Bái lên huyện vùng cao Mù Cang Chải du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vỹ trên dãy Hoàng Liên với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, bên những ruộng bậc thang ôm viền chân núi - một kiệt tác nghệ thuật đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007. Văn hoá canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình đã biến tên Mù Cang Chải (tức làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên trời. Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào mùa thu, giữa tháng chín và tháng mười dương lịch, khi đó khắp nơi mênh mông màu vàng sóng lúa, hương đất hương ngàn hòa với không khí trong lành của vùng cao, làm đắm say lòng người.

Mùa xuân đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên của những rừng thông cao vút bạt ngàn, của sắc hồng hoa đào, của sắc trắng hoa ban, hoa mận…

Do vị thế của mình nên ở đây vẫn còn lưu giữ được những vùng rừng đa dạng sinh học như khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo nằm ở phía nam dãy Hoàng Liên Sơn vẫn còn hiện hữu nhiều loại động thực vật quý hiếm ở Việt Nam và trên thế giới như quần thể vượn đen tuyền, niệc cổ hung Aceros Nipalensis…

Giao thông

Mù Cang Chải cách Hà Nội chừng 300km về phía tây bắc. Từ Hà Nội lên thành phố Yên Bái, rồi theo quốc lộ 37 khoảng gần 40km thì rẽ phải vào quốc lộ 32, qua thị xã Nghĩa Lộ đến Tú Lệ, vượt đỉnh Nậm Khắt cao trên 2.000m, qua triền phía tây của dãy Hoàng Liên Sơn, dọc theo suối Nậm Kim, du khách sẽ đến Mù Cang Chải. Hoặc du khách có thể theo quốc lộ 32 từ Hà Nội, qua Sơn Tây, đến Tú Lệ rồi đến Mù Cang Chải.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM