Cho đến nay chưa thấy tài liệu nào xác định chính xác cây dã hương đại thụ này có từ bao giờ. Tuy nhiên, theo thần phả của làng thì cây dã hương đã nhận được sắc phong của vua ban tặng: “quốc chúa đô mộc dã đại vương” (cây dã lớn nhất nước Nam) vào đời vua Lê Cảnh Hưng. Cây cũng được ghi tên, in ảnh trong Từ điển Bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932…
Cây dã hương đại thụ có gốc và thân xù xì, tán vươn rợp bóng, uy nghi đứng trên bãi đất khá rộng, ngay sau đình Viễn Sơn cổ kính. Cây cao khoảng 30 mét. Thân cây có chu vi chỗ nhỏ nhất là 8,4 mét, chỗ lớn nhất là 17,4 mét, phải 8 người ôm mới kín. Trải qua một lần bị cháy trong ruột hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giờ thân cây bị rỗng, 10 người đứng trong thân cây vẫn vừa. Cũng theo lời người quản lý, hiện phần đất bồi tôn cao giữ an toàn cho cây phủ mất gốc cũ có chu vi khoảng 30 mét.
Cây dã hương luôn là niềm tự hào của người dân Tiên Lục. Ngàn năm đã qua, cây dã hương đã chứng kiến biết bao biến cố ở làng: lễ hội, đình đám; bao thế hệ người dân sinh ra… Dưới tán cây sum suê, đây thường là nơi dừng chân, nghỉ mát, trò chuyện của dân làng. Vào những đêm trăng thanh, lại là nơi hò hẹn của biết bao đôi lứa. Dấu ấn của bao thế hệ người dân thôn Giữa luôn gắn bó với gốc dã hương này. Theo các cụ có tuổi trong làng thì cây dã hương còn là biểu tượng thiêng của trời đất, của nước non. Cây dã hiên ngang đứng đó, vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. Trong cuốn sách ghi chép của làng, kể từ năm 1945 đến nay, các cành dã to nếu tự nhiên bị gãy là điềm báo liên quan đến các sự kiện lớn của đất nước. Chính vì lẽ đó mà trong tâm thức của người dân địa phương, cây dã luôn là một báu vật thiêng liêng, không thể tách rời xóm làng và quê hương.
Nằm trong cụm di tích chùa Quang Phúc, đền Tiên Lạc, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, cây dã hương ngàn năm tuổi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1989, hiện đang là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi có dịp đến Bắc Giang. Vẻ đẹp của điểm di tích này được tôn thêm bởi ngôi đình Viễn Sơn cổ kính hơn 300 năm tuổi (1705), trầm mặc nép dưới tán cây dã đại thụ, thờ sáu vị Thành Hoàng làng. Hội đình Viễn Sơn diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3 âm lịch hàng năm thu hút rất đông khách thập phương đến dự lễ hội, cũng là dịp chiêm ngưỡng cây dã hương lớn thứ hai trên thế giới (sau cây dã ở Ấn Độ).