Theo truyền thuyết, công chúa Quế Mị Nương được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng chỉ đam mê du ngoạn, nay đây mai đó, sống với thiên nhiên, hương trời sắc núi. Vào một ngày đầu xuân, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh và một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay bổng lên trời, đưa nàng tới khúc Suối Mỡ. Khi đến đây, thấy đất đai cằn cỗi, dân tình khốn khổ đói rách vì hạn hán, công chúa rất đau lòng. Nàng đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối - chính là con Suối Mỡ ngày nay - đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống muôn dân ấm no, hạnh phúc.
Ghi nhớ công ơn của nàng, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ và lập 3 ngôi đền kế tiếp nhau để thờ nàng. Đền Hạ là ngôi đền có quy mô lớn nhất được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, dưới bóng cây cổ thụ sum xuê. Kiến trúc và cách bài trí của ngôi đền này khá tiêu biểu cho đền thờ Mẫu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ vào thế kỷ 19 - 20. Ðền Trung có khoảng sân rộng để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi lấy sức lên Ðền Thượng. Ðền Thượng độc đáo ở dạng sơn miếu, có hậu cung là vòm hang, phía bên ngoài do con người xây dựng. Trong hậu cung có đường bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh núi ngắm làng mạc, núi non hùng vĩ.
Đền Suối Mỡ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào năm 1998.