Từ TP. Thanh Hóa, theo quốc lộ 1A về phía nam khoảng 70km đến địa phận xã Trường Lâm, rẽ phải đi thêm 4km nữa, du khách sẽ đến chân núi Gộp Cua. Từ đây, tiếp tục leo qua một đoạn dốc dài khoảng 1km, du khách sẽ thấy hiện ra trước mắt quần thể các tảng đá đồ sộ tựa lưng vào nhau theo kiểu lắp ghép. Trong đó nổi bật nhất là tảng đá nằm ở phía bắc mang tên Ngọc Nữ có hình dáng như một thiếu nữ với đôi mắt đang hướng về động Ngọc Hoàng – hang động lớn và đẹp nhất trong 3 động.
Động Ngọc Hoàng có chiều dài gần 500m, trần động cao, bên trên có nhiều nhũ đá hình những đám mây trắng đang trôi. Nền động bằng phẳng, có nhiều sỏi và cát mịn. Động gồm 2 tầng với tên gọi Trần gian và Thượng giới. Tầng Trần gian được kiến tạo như cung vua với hình rồng chầu hai bên ngai vàng, phía trước ngai là hình các quan đại thần đang ngự triều. Từ tầng Trần gian bước lên các bậc đá sẽ đến tầng Thượng giới với khối đá khổng lồ giống hình ông tiên râu tóc bạc phơ đứng giữa bầy trẻ nhỏ. Đi vào phía trong sẽ đến cung Vương Mẫu gắn với sự tích hội bàn Đào và thần tiên. Khu vực này còn có nhiều khối đá hình thù kì thú như: chú voi đang cong vòi hút nước suối, con công đang múa, ngựa, sư tử, Lã Vọng ngồi câu cá, cây đa, cây sung... Từ cung Vương Mẫu lên cao hơn, du khách sẽ đến cung Ngọc Hoàng. Nơi đây có phiến đá to màu nâu nhạt in hình Ngọc Hoàng đội mũ bình thiên nhìn xuống động Trần gian, đứng xung quanh là các quan đại thần.
Rời động Ngọc Hoàng, du khách vào thăm động Ngọc Long. Trong động có nhiều khối đá, nhũ đá hình rồng: rồng lớn đang vặn mình hay rồng chầu quanh ban thờ... Trên vách động có hình ảnh Phật Bà Quan Âm chắp tay nhìn xuống.
Cùng với động Ngọc Hoàng và Ngọc Long, động Tiên được đánh giá là nơi mang vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Nơi đây có nhiều khối nhũ đá hình voi chầu, hổ phục, nụ hoa, bầu sữa mẹ... Đặc biệt, tại một khu vực trong động còn có một đám thạch nhũ dài vài chục mét, bao gồm những hạt thạch nhũ kích thước như viên bi, bên trong có lớp nhân trong suốt. Bên cạnh đám thạch nhũ là khối đá hình chim đại bàng đang dang rộng đôi cánh, cúi đầu lấy mỏ gắp viên bi. Đi qua khu vực này, du khách sẽ đến ao tiên với những khối đá hình rồng và rùa. Dưới chân khối đá hình rồng, nền ao chũng xuống tạo thành một cái hố, bên trong có nhiều thạch nhũ hình quả na gợi liên tưởng đây là những quả trứng rồng.
Đến với quần thể hang động Trường Lâm, du khách có cơ hội khám phá nét đẹp hoang sơ, huyền bí mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Việc đưa quần thể hang động Trường Lâm vào phục vụ du lịch sẽ góp phần thu hút du khách đến Thanh Hóa ngày càng nhiều.
Phạm Phương