Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Thành phố Thanh Hóa

Diện tích: 57,9 km²
Dân số: : 176.900 người (2004):
Dân tộc: : Kinh
Đơn vị hành chính:
-
Phường: : Điện Biên, Đồng Thọ, Trường Thi, Nam Ngạn, Hàm Rồng, Lam Sơn, Đông Sơn, Ba Đình, Đông Vệ, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Tân Sơn
- Xã: : Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Thắng, Quảng Thành, Quảng Hưng

Vị trí địa lý

Nằm bên bờ sông Mã, thành phố Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Thanh Hóa, phía bắc giáp huyện Hoằng Hóa, phía nam giáp huyện Quảng Xương, phía tây giáp huyện Đông Sơn, phía đông giáp huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương. Thành phố có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa.

Lịch sử phát triển

Cách đây hơn 200 năm (tháng 5-1804), theo Chỉ dụ của vua Gia Long, Trấn thành Thanh Hóa được dời từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn) để xây dựng Trấn lỵ.

Năm 1889, thị xã Thanh Hóa được thành lập gồm 7 làng: Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc (thuộc Tổng Bố Đức); Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (thuộc Tổng Thọ Hạc).

Sau nhiều lần mở rộng, đến năm 1994, thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố Thanh Hóa. Năm 2004, thành phố Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình
Thành phố Thanh Hóa nằm ở trung tâm đồng bằng tỉnh Thanh có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác xen kẽ với đồng bằng. Thành phố được bao bọc bởi những con sông và các ngọn núi. Các đường vào nội thành đều phải qua sông, qua cầu. Hệ thống núi gồm có núi Hàm Rồng nằm án ngữ cửa ngõ phía bắc, núi Nhồi nằm phía tây thành phố và núi Mật Sơn nằm trên địa phận phường Đông Vệ. Thành phố còn có sông Mã uốn lượn quanh núi Hàm Rồng trước khi đổ ra biển và các con sông đào phục vụ thủy lợi (sông Thọ Hạc, sông Cốc, sông Lai Thành, sông Nhà Lê, sông Kênh Bắc). Trong thành phố có một số hồ như hồ Thành, hồ Núi Long, hồ Nhà Hát, hồ Máy Đèn, hồ Tân Sơn...

Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thành phố Thanh Hóa có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Mùa nóng từ cuối xuân đến giữa mùa thu. Mùa lạnh bắt đầu từ giữa mùa thu đến hết mùa xuân năm sau.

Hàng năm có lượng mưa trung bình đạt 1730 - 1980mm: mùa mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm 23,60C. Độ ẩm trung bình cả năm khá cao khoảng 80- 85%, độ ẩm xuống thấp cực điểm khi có gió mùa Đông Bắc, hanh khô (50%) và những ngày có gió tây khô nóng (45%); nhưng có lúc, độ ẩm lên cao tới 90%.

Hàng năm có khoảng 1.700 giờ nắng, tháng nắng nhiều nhất là tháng 7, tháng có ít nắng nhất là tháng 2, 3.

Tiềm năng du lịch

Nằm trên trục giao thông Bắc Nam, gần biển, với số giờ nắng cao, thời tiết khí hậu thuận lợi, tại thành phố Thanh Hoá có đến 80% thời gian trong năm thích hợp cho các hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa.

Thành phố Thanh Hoá là nơi tập trung nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng với 20 di tích cấp quốc gia và hơn 30 di tích cấp tỉnh.

Nằm ở cửa ngõ phía bắc thành phố là quần thể sơn thủy hữu tình, khu thắng cảnh Hàm Rồng, với sông, núi, hang động... Có thể kể đến hồ Kim Quy, động Tiên, động Long Quang (hang Mắt Rồng), núi Phượng, núi Voi, núi Rồng, làng cổ Đông Sơn với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, di tích văn hoá núi Đọ, cầu Hàm Rồng, đền thờ danh tướng Lê Uy - Trần Khát Chân và nhiều di tích khác. Thắng cảnh Hàm Rồng gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Phía nam thành phố là khu di tích thắng cảnh đẹp mà trung tâm là núi Mật Sơn với các hòn non bộ bao quanh như núi Long, núi Hổ, núi Kim Đồng, Ngọc Nữ... và các di tích lịch sử khác như chùa Đại Bi, và đặc biệt là Thái Miếu nhà hậu Lê - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi đặt tượng đồng Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi và bài vị thờ các vị vua nhà Hậu Lê.

Phía tây thành phố là núi Nhồi với hòn Vọng Phu nổi tiếng là hình ảnh người mẹ ôm con chờ chồng.

Trung tâm thành phố có quảng trường Lê Lợi, quảng trường Lam Sơn, công viên văn hoá trung tâm, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa, chùa Thanh Hà, nhà thờ chánh xứ...

Thành phố Thanh Hóa có nhiều chợ và công viên như: chợ Vườn Hoa, Phú Thọ, Tây Thành, Nam Thành, Đông Thành, Điện Biên..., công viên Hồ Thành, Thanh Quảng… thuận tiện cho du khách mua sắm, thư giãn.

Thành phố còn là nơi có nhiều lễ hội truyền thống. Các trò diễn dân gian như: múa đèn Nam Ngạn, múa hát chèo chải, trò chơi Tứ Linh, trò Ngô Tú Huần làng Thọ Hạc, kéo quân xếp chữ cướp cù làng Vệ Yên, trò múa rối làng Nam Ngạn… các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh như: điệu hò Sông Mã ở làng Nam Ngạn, hát bội ở làng Vĩnh Yên, hát ghẹo ở làng Yên Biên…

Giao thông

Thành phố nằm trên trục đường quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 153km về phía nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.537km về phía bắc, cách bãi biển Sầm Sơn 16km về phía tây và cách biên giới Việt Lào (thuộc địa phận huyện Quan Hóa) 135km về phía đông.

Hàng ngày có các tuyến xe khách Thanh Hóa – Hà Nội xuất phát tại bến xe khách liên tỉnh phía bắc (phố Bà Triệu, P. Trường Thi, Tp. Thanh Hóa) và các tuyến xe khách đi trong tỉnh xuất phát tại bến xe nội tỉnh phía tây (340 Nguyễn Trãi, P. Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa).

Ngoài ra còn có tuyến tàu hỏa Thanh Hóa – Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh tại ga Thanh Hóa (4 Dương Đình Nghệ, P. Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa)

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM