Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội Phủ Dầy

Thời gian: Từ mùng 3 đến 10/3 âm lịch, chính hội là 3/3
Địa điểm: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Đối tượng suy tôn: Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Đặc điểm: 
rước đuốc, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, hầu đồng, trò chơi dân gian... 

(TITC) - Nam Định được xem là trung tâm của Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó Phủ Dầy (tương truyền là nơi Mẫu Liễu Hạnh sinh ra) là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này. Phủ Dầy trước đây có tên cổ là Kẻ Dầy, cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là “Mẫu nghi thiên hạ” thì Kẻ Dầy được đổi thành Phủ Dầy. Quần thể Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng chúa Liễu. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức để tưởng nhớ ngày giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Hội Phủ Dầy hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng như: rước đuốc, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, hầu đồng với các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc như: thi hát văn, đánh cờ người, múa lân, múa rồng, đấu võ, đấu vật, thổi cơm thi...

Vào ngày mùng 1/3 âm lịch, hai thôn Tiên Hương và Vân Cát làm lễ tế khai hội. Sang ngày mùng 2, tại phủ Tiên Hương diễn ra lễ rước nước về “mộc dục” (tắm) Thánh tượng, sau đó làm lễ bái yết cáo. Ngày mùng 3 là chính hội, lễ vật thường có bánh dầy, lợn sống, xôi, rượu, hoa quả… Ngày mùng 4, ở Phủ Vân Cát, các con nhang đệ tử cùng nhân dân túc trực tế lễ theo các nghi thức long trọng.

Lễ rước đuốc diễn ra vào tối mùng 5/3 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan những gì đen tối, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Nghi thức rước đuốc được tổ chức vào buổi tối giữa không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, tạo thành một hình ảnh đẹp, biểu tượng cho niềm tin, hy vọng của người dân vào những điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống.

Sang ngày 6/3 âm lịch, nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ phủ Tiên Hương lên chùa Gội sẽ được tổ chức với sự tham gia của các vị cao niên, các thanh đồng cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong đoàn rước còn có các đội kèn, trống, bát âm, múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ; các kiệu bát cống, long đình, kiệu võng...

Một trong những hoạt động đặc sắc được nhiều người chờ đón tại lễ hội đó là "Hoa trượng hội" (còn gọi là hội kéo chữ) diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 – 9/3 âm lịch. Trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên phủ lễ Mẫu để xin kéo chữ. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ. Họ thường quấn khăn đỏ, mặc áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Tổng cờ sẽ là người điều khiển các phu cờ. Dưới sự điều khiển của tổng cờ, phu cờ chạy thành hàng một, vòng theo đường quanh hồ trước cửa phủ Dầy rồi trở về sân và đứng vào vị trí đã định hình, hình thành dần cả nét chữ cho đến khi xếp xong. Chữ xếp thường là 4 chữ: "Mẫu nghi thiên hạ”, “Quang phục thánh thiện" hoặc "Hòa cốc phong đăng", "Thiên hạ thái bình". Người dân Phủ Dầy cho rằng tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ "gia ân" hay "gia uy" cho con nhang đệ tử. Có thể nói đây là hoạt động vừa là lễ nghi vừa là trò chơi dân gian quy mô và đẹp mắt, thu hút được hàng nghìn người tham gia và cổ vũ tán thưởng.

Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong lễ hội Phủ Dầy là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian lễ hội trở nên huyền ảo. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín... còn có các giá đồng ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước… 

Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt.  

 

Phạm Phương

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM