(TITC) - Không chỉ được biết đến với các tuyến điểm du lịch sinh thái kết hợp làng nghề truyền thống, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) còn hấp dẫn du khách bởi hệ thống di tích lịch sử đặc sắc. Trong số đó không thể không kể đến đình Bình Hòa nằm trên khu đất giồng ở ấp Bình Minh, làng Bình Hòa, nay thuộc thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, cách Tp. Bến Tre 16km về phía đông nam. Đây là một trong 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre và cũng là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo (gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và Tp. Bến Tre).
Đình Bình Hòa được xây dựng vào năm 1831 bằng những nguyên vật liệu đơn sơ như cây, lá… Năm 1903, ban khánh tiết của đình đã đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại đình với quy mô lớn hơn và sau 10 năm (1903 - 1913) thì hoàn thành công trình. Đình được xây dựng bằng chất liệu chính là gỗ tứ thiết, kết cấu gắn bằng mộng, chốt. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm tổ chức trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa và sau 01 năm thi công, công trình đã hoàn tất với tổng diện tích 9.000m2, bao gồm các hạng mục chính là: nhà võ ca, thiêu hương, chính điện, tiền sảnh, hành lang, hậu đường, miếu Quan Thánh.
Điểm nổi bật trong kiến trúc của đình chính là nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, tinh xảo, kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định thể hiện ở những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông, hoa lá… trên những vì, kèo, xuyên, trính, hoành phi… Toàn bộ những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ mỹ thuật ở đình Bình Hòa là di sản văn hóa quý báu, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Hiện đình còn lưu giữ hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ... Hàng năm, tại đình diễn ra lễ cúng đình vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Chạp.
Đình Bình Hòa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 7/1/1993. Đây là điểm du lịch độc đáo, góp phần phát triển loại hình du lịch tâm linh của huyện Giồng Trôm nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Trong thời gian tới, huyện Giồng Trôm sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch hấp dẫn phục vụ du khách nhằm đưa du lịch địa phương phát triển ngang tầm xu thế phát triển chung của tỉnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Phạm Phương