Việc phát triển du lịch trong thời gian qua ở Điện Biên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Giá trị đặc biệt của di tích Điện Biên Phủ vẫn chưa được phát huy hết, thiếu sự phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các địa phương trong khu vực cũng như với các địa bàn khác.
|
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Phát huy giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong mối liên kết với vùng Tây Bắc,” tổ chức ngày 13/3.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá di tích lịch sử Điện Biên Phủ là tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị đặc biệt đối với việc phát triển du lịch không những của Điện Biên mà còn của cả nước. Việc khai thác giá trị của các di tích không chỉ phục vụ cho du khách tham quan tìm hiểu mà còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng và góp phần phát triển nhân cách cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Chính vì vậy, Điện Biên Phủ - Pá Khoang đã được xác định là một trong 46 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia của cả nước...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung cụ thể, góp phần trả lời những vấn đề đặt ra như nhận diện những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với di tích lịch sử Điện Biên Phủ; những giá trị nổi bật đặt ra trong công tác bảo tồn đối với di tích lịch sử Điện Biên Phủ; thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên; quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trên cơ sở khai thác những giá trị nổi bật của di tích lịch sử Điện Biên Phủ; phát triển có trách nhiệm điểm du lịch lịch sử và văn hóa Điện Biên Phủ trong mối liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; du lịch Di sản Điện Biên gắn kết với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng...
Tham gia hội thảo, một số giáo sư, chuyên gia về phát triển du lịch của các tỉnh phía Bắc đã có những ý kiến chất vấn, đóng góp ý kiến khá bổ ích đối với những người làm công tác du lịch Điện Biên như sau khi tỉnh lỵ Điện Biên chuyển về đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ đã phát sinh những mâu thuẫn khi địa phương này vừa phải bảo tồn các di tích lịch sử, vừa phải phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Chính vì mâu thuẫn này mà việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử đang trở thành một bài toán khó.
Có ý kiến cho rằng Điện Biên có hai di sản là di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ và là “đất tổ” của dân tộc Thái. Do đó, nên tổ chức “Festival hành hương về đất tổ,” phục chế các bản Thái cổ với các phong tục tập quán văn hóa dân tộc Thái... Hoạt động này sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch từ các quốc gia.
Cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức bán các hàng hóa, quà lưu niệm chưa phong phú, chưa mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, chủ yếu vẫn “bán hộ” các sản phẩm du lịch của Trung Quốc...
Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh Điện Biên, trong 10 năm qua, các chỉ tiêu về du lịch đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể tổng số khách du lịch đến Điện Biên từ năm 2004-2013 đã tăng từ 178.000 lên 380.000 lượt, trong đó khách nước ngoài tăng từ 10.000 lên 66.000 lượt. Thu nhập xã hội từ du lịch tăng từ 30 tỷ đồng lên gần 434 tỷ đồng. Chỉ tiêu về lao động, việc làm cũng tăng từ 1.700 người lên 9.000 người...
Năm 2014, tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Với các hoạt động này, tỉnh Điện Biên dự kiến trong năm 2014 sẽ đón 440.000 lượt khách với 70.000 đến 75.000 lượt khách quốc tế, đem lại thu nhập xã hội khoảng 540 tỷ đồng từ khai thác dịch vụ du lịch.