Với vai trò là trung tâm, đầu tàu của ngành du lịch cả nước, trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy có hiệu quả hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước để phát triển du lịch, tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát huy sự hợp tác thực chất và bền vững.
|
Ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Định hướng hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương”, diễn ra ngày 27/3.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 40 tỉnh, thành và trên 50 doanh nghiệp du lịch tiềm năng thị trường nội địa và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh hiện nay, hợp tác là vấn đề cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài trong chiến lược phát triển ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nhiều năm qua, ngành du lịch thành phố chủ động mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các địa phương. Đến nay, ngành du lịch thành phố đã liên kết phát triển du lịch với 30 địa phương trong cả nước. Việc liên kết này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển du lịch trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất các giải pháp thực hiện hợp tác phát triển du lịch trong từng lĩnh vực như quản lý nhà nước, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch và đầu tư phát triển du lịch.
Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương sẽ tích cực, chủ động hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác, đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống, đồng thời đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm và các loại hình du lịch, phát huy liên kết vùng, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; tập trung đầu tư tôn tạo và khai thác tài nguyên du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đặc thù.
Trong công tác đầu tư phát triển du lịch, các địa phương cần chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái đa dạng; tôn tạo và nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị và khai thác phục vụ du lịch hiệu quả...
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng phạm vi thị trường quảng bá ra nước ngoài. Đặc biệt, các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch, thực hiện quản lý và kiểm soát hoạt động du lịch, đẩy mạnh huy động và quản lý sử dụng các nguồn lực đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển.