Căn nhà của Giáo sư Hà Tôn Vinh có thể coi như một bảo tàng về các cổ vật. Đặc biệt, bộ sưu tập bình vôi độc đáo với 300 chiếc thuộc những niên đại khác nhau không chỉ là thú chơi riêng của ông mà còn là di sản quý của văn hoá Việt Nam.
Giáo sư Hà Tôn Vinh sưu tập các loại bình vôi với tâm niệm giản dị: bình vôi là đồ vật mang nét văn hóa - lịch sử đặc biệt, nó gắn liền với sự tích trầu cau và văn hóa ăn trầu của người Việt Nam.
Trong các gia đình Việt Nam, nhất là những gia đình ở nông thôn, chiếc bình vôi thường được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Khi đã sử dụng lâu, vôi trong bình cứng hoặc bình rạn nứt thì chủ nhà sẽ mua bình mới. Bình vôi cũ được mang ra đặt cạnh các cây đa cổ thụ hoặc cạnh miếu thờ, đền thờ. Chiếc bình vôi gợi cho ta nhớ đến hình ảnh thân thương của người bà, người mẹ, nhớ đến những đám cưới hỏi mọi người quây quần xúm lại bổ cau, quệt vôi, têm trầu với tiếng cười, câu chuyện râm ran.
Để có được bộ sưu tập bình vôi độc đáo này, Giáo sư Hà Tôn Vinh đã nhiều năm đi khắp các vùng, miền tìm tòi và sưu tầm các loại bình vôi. Trong bộ sưu tập của ông, có nhiều bình vôi cổ với hoa văn trang trí phong phú. Hình ảnh hoa cau, quả cau, lá trầu và các dây cau trên bình vôi vẫn giữ nguyên được nét màu. Cũng có loại bình mang hình cái ấm tích, hay chiếc lọ tùy theo ngẫu hứng của nghệ nhân làm bình vôi.
Những bình vôi này được làm bằng gốm, sứ, có tráng men trắng hoặc xanh, trang trí bằng những hình vẽ màu nhẹ nhàng, thơ mộng. Cũng có chiếc khắc họa mấy nét cỏ cây, một dáng mây và một vẻ thôn xóm yên bình. Các hoa văn vẽ rồng cũng rất nhiều, biểu hiện sự vương giả, giàu sang, uy quyền và những điềm lành. Hoa văn trang trí xung quanh bình vôi thường là phong cảnh làng quê, cảnh chùa chiền, núi sông, con người trong lễ hội...
Kích cỡ bình vôi cũng khá đa dạng, có những chiếc cầm lọt tay nhưng có những chiếc phải dùng sức mạnh của tay mới nâng lên được. Bộ sưu tập hiện nay của Giáo sư Vinh có hai chiếc bình vôi to “kỷ lục", nặng trên 10kg, niên đại thế kỷ XIX và một chiếc bình vôi "độc nhất vô nhị" không phải vì hoa văn và kích cỡ mà vì cái bình này lại có lỗ cao đến hơn 20cm, vượt quai xách đến cả gang tay. Ông Vinh đã góp một số cổ vật cho các cuộc triển lãm ở Mỹ. Ông dự định mở một triển lãm ở trong nước mang tên "Văn hóa cổ của Việt Nam qua bình vôi" và đưa bộ sưu tập bình vôi ra nước ngoài triển lãm.
Những chiếc bình vôi chứa đựng dấu ấn văn hoá gia đình, cộng đồng đã được tập hợp thành bộ sưu tập. Đó là tâm huyết, tình yêu của Giáo sư Hà Tôn Vinh góp phần gìn giữ di sản quý của Việt Nam.