Thừa Thiên - Huế phục hồi và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống
Cập nhật: 02/10/2014
Huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã xây dựng đề án khôi phục 19 nhà truyền thống nhằm bảo tồn vốn di sản của các dân tộc thiểu số Pa-cô, Tà-ôi, và Cơ-tu.
 

Nhiều năm trở lại đây, nhà văn hóa cộng đồng của các dân tộc nói trên được “bê-tông hóa” và bị biến dạng so với truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến vấn đề bảo tồn nét văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, trên địa bàn huyện hiện chỉ còn chưa đầy 20 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đúng với truyền thống của các dân tộc Pa-cô, Tà-ôi, Cơ-tu nhưng lại có đến 70% nhà cộng đồng lại bị “lệch chuẩn”. Một thực tế rằng, những nhà truyền thống thì người dân vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn, và thường được tổ chức các lễ hội quan trọng của thôn bản. Trong khi đó, các nhà văn hóa bị “lệch” lại bị dân “quay lưng”; nhiều nơi gần như cả năm không mở cửa.

Già làng Hồ Văn Hạnh (68 tuổi) ở thôn Lê Triêng (xã Hồng Trung, huyện A Lưới) kể rằng nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn này về cơ bản là đúng với phong cách truyền thống của người Pa-cô nên người dân vẫn tập trung đông đúc khi có việc của thôn. Thế nhưng ở thôn A Niêng và Ta-ay (cùng xã) thì người dân không “mặn mà” vì nhà cộng đồng đã bị biến dạng rất nhiều. Già Hạnh tâm sự rằng, với người dân tộc thiểu số ở A Lưới thì nhà cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tâm linh và văn hóa, do đó việc thiết kế khi xây dựng, phục dựng là phải giống với truyền thống của họ.

Ông Lê Văn Vây, cán bộ văn hóa xã Hồng Trung giải thích điểm “biến dạng” của nhà văn hóa các thôn rõ ràng hơn: “Thiết kế truyền thống là mái vòm tròn hai đầu hiên nhưng khi xây dựng là mái vuông. Cầu thang lên xuống phải có 2 cái ở hai đầu nhưng ở đây chỉ có một cầu thang ở giữa nhà; các cột trụ cũng sai. Thiếu hai sừng trâu ở hai đầu mái nhà - đây là biểu tượng của người Pa-cô để quan niệm rằng nhà sẽ không bị gió cuốn bay”, ông Vây cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhà văn hóa bị biến dạng phần lớn là nhà của dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; có thiết kế nhiều điểm không giống với truyền thống và được dựng theo kiểu “bê-tông hóa”. Những nhà văn hóa này được xây dựng từ năm 2000 đến 2007, và hiện nay cũng đã xuống cấp, hư hại. Ông Ngoan cho biết, thời điểm xây dựng các nhà văn hóa thôn do ADB tài trợ, ngành văn hóa không được tham gia nên phần lớn các mẫu nhà khi hoàn thành đã không đúng so với truyền thống của các dân tộc ở A Lưới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Trước khi thực hiện việc xây dựng, phía dự án đã có từ năm, bảy mẫu nhà để đưa cho người dân địa phương tham khảo. Sau khi cộng đồng và các già làng thống nhất mẫu nhà thì mới khởi công xây dựng”.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh rằng, dự án của ADB lúc đó với mục tiêu là xóa đói giảm nghèo, ngoài mục tiêu về văn hóa còn có kinh tế nông nghiệp, giáo dục nên không thể tập trung nguồn lực để xây dựng nhà đúng với nguyên trạng được. Hơn nữa, việc bê-tông hóa là khó tránh khỏi vì không thể phá rừng để lấy gỗ xây nhà truyền thống cho đồng bào được.

Ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho biết toàn huyện đã có 133 nhà văn hóa cộng đồng thôn (đạt gần 100%). Điều đó đã góp phần rất lớn trong việc kết nối người dân trong những buổi sinh hoạt cộng đồng; giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của người dân thiểu số ở huyện A Lưới.

Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của Phòng VHTT thì toàn huyện chỉ còn gần 20 nhà Rông, nhà Gươl, nhà Moong truyền thống theo đúng nguyên trạng. Chính vì thế, UBND huyện A Lưới vừa có đề án khôi phục 19 nhà dài truyền thống, gồm 15 nhà Rông của người Tà-ôi, ba nhà Gươl của người Cơ-tu và một nhà Moong của dân tộc Pa-cô để giữ gìn vốn di sản của họ.

Mới đây, vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 và cũng là dịp kỷ niệm 45 năm đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi A Lưới mang họ Bác Hồ, người dân Pa-cô ở thôn A Năm (xã Hồng Vân) đã khánh thành và đưa vào hoạt động ngôi nhà Moong truyền thống. Đây là ngôi nhà mơ ước của nhiều hộ dân Pa-cô, và cũng là niềm tự hào khi chính họ đã vận động và đóng góp tiền để xây dựng với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Việc làm này đã góp phần bảo tồn và giữ gìn, phát huy giá trị của nhà truyền thống dân tộc Pa-cô.

Cũng với mục đích bảo tồn và phát huy nét văn hóa của người vùng cao A Lưới, mới đây HĐND huyện đã thông qua Nghị quyết về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”. Trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% xã có nhà văn hóa; chọn 3 xã đại diện cho 3 dân tộc Tà-ôi, Cơ-tu, Pa-cô để tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Báo Văn hóa