(TITC) - Ngày 28/1/2015, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã diễn ra hội thảo về hỗ trợ quản lý điểm đến của ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ) nhằm thảo luận các biện pháp góp phần đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch của khu vực.
Hội thảo do Tổng cục Du lịch chủ trì với sự hỗ trợ của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là EU-ESRT). Đây được xem là bước hỗ trợ tiếp theo của Dự án EU-ESRT sau hội nghị cấp cao ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác liên kết phát triển du lịch diễn ra ngày 18/10/2014 tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).
Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; các doanh nghiệp du lịch và trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn 3 tỉnh.
Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Vì vậy, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là ưu tiên và là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo của Bộ VHTTDL.
Theo kết quả khảo sát từ chuyến công tác đến ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ của nhóm chuyên gia du lịch thuộc Dự án EU-ESRT từ ngày 12 đến 27/1/2015, khách du lịch đến các địa phương này chủ yếu là khách nội địa, trong đó phần đông là khách du lịch tâm linh, có thời gian lưu trú ngắn và khả năng chi tiêu thấp. Du khách mới chỉ xem vùng này là điểm tham quan đơn thuần, thậm chí là một điểm đi thêm trong hành trình tour nên chỉ lưu trú tại đây một ngày. Công suất phòng bình quân ở các điểm đến cũng chỉ từ 30-40%. Trong khi đó, một điểm du lịch hấp dẫn thường có thời gian lưu trú bình quân một khách từ 3-5 ngày trở lên. Việc ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ tập trung phát triển du lịch địa phương mà chưa hướng đến sức mạnh chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một trong những hạn chế.
Để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng nhau thông qua một phương pháp tiếp cận mang tính định hướng thị trường, hướng đến đối tượng khách lưu trú dài ngày hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trung tâm du lịch đặc sắc, tạo sự khác biệt so với những điểm đến khác của Việt Nam. Các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện sản phẩm du lịch của khu vực, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các khu nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú ven sông; đa dạng các dịch vụ du lịch trên sông nước; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch homestay và tham quan các miệt vườn trái cây…
Tại hội thảo, ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững.
Phạm Phương