Ngày 28/2/2009, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm về công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng và đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 100ha, nằm trên địa bàn 10 phường, gồm 76 tuyến phố với dân số 84.600 người. Hầu hết các tuyến phố có hoạt động thương mại sôi động và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc (có tới 112 di tích lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng; 1.081 nhà ở có giá trị). Hai năm qua quận Hoàn Kiếm đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, tu bổ, tôn tạo di tích, nên công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của khu phố cổ. Đặc biệt là công tác rà soát, khảo sát thực hiện quy hoạch và tăng cường quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng phục vụ cho "Chiến lược tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội", hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và là cơ sở đề nghị xếp hạng Di sản văn hóa thế giới. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giảm 34%, xây dựng có xin phép đạt 94%. 51 tuyến phố trong Dự án khu phố cổ được đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, đã đưa vào sử dụng 17 tuyến, đang triển khai xây dựng 18 tuyến.
8 công trình (trong đó có 5 công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) được triển khai có kết quả tốt, tiêu biểu là dự án xây dựng Trung tâm Thông tin phố cổ; Dự án tu bổ, tôn tạo tượng đài vua Lê và đình Nam Hương; Dự án tu bổ, tôn tạo đình Kim Ngân; Dự án cải tạo tam quan đền Bạch Mã; Dự án cải tạo hạ tầng khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, cải tạo hạ tầng tuyến phố đi bộ... đều có thể hoàn thành trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo việc quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ đòi hỏi phải hết sức khoa học và thực tiễn. Xây dựng cơ chế quản lý, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ phải bắt đầu từ việc làm tốt quy hoạch 1/2000 và 1/500. Rà soát, khảo sát kỹ, chỉ rõ từng tuyến phố, từng khu nhà, từng cấp độ bảo tồn, qua đó tập trung giải quyết ngay những khu vực trọng yếu, đồng thời khơi dậy sức dân tự làm. Quy hoạch cần chú ý tới việc hạ ngầm các tuyến dây, hệ thống cấp, thoát được quy định chặt chẽ, thống nhất về kiểu dáng, chiều cao, màu sắc, chất liệu. Những công trình người dân có thể tự bỏ tiền trùng tu, tôn tạo theo kế hoạch nên ủng hộ, tạo điều kiện. Xem xét quy hoạch, mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ, các khu vực phố kinh doanh ngành nghề phù hợp và dễ quản lý.
Đối với dự án di dân, Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ cho các sở Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư xem xét nhu cầu thực tế và quy mô đất đã có, nếu thiếu phải bổ sung, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tự hào, ý thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ, hình thành nếp ứng xử văn minh, thanh lịch đô thị.