Ngày 14/3, tại làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), chính quyền và nhân dân xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh tổ chức đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội làng Diềm.
Hàng năm cứ vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, làng Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) lại mở hội để thể hiện sự tôn kính, lòng nhớ ơn của dân làng đối với đức Vua Bà - Thủy tổ dân ca Quan họ Bắc Ninh và cũng là thời điểm để bà con tụ họp sau những ngày lao động vất vả, thể hiện tình đoàn kết, cầu cho mưa thuận, gió hòa, một năm làm ăn phát đạt, cấy trồng tốt tươi.
Theo thần tích được lưu giữ tại đền thờ Vua Bà ở làng Viêm Xá: Thủy tổ Quan họ - Đức Vua Bà là con gái Vua Hùng thứ 5. Con gái đến tuổi gả chồng, nhà vua đã tổ chức hội cướp cầu để chọn phò mã. Tuy nhiên, Bà đã không chấp nhận sánh duyên cùng người thắng cuộc mà xin nhà vua được chu du sơn thủy một thời gian. Khi Bà cùng các thị nữ vừa ra khỏi kinh thành thì một cơn mưa lớn ập đến, giông gió nổi lên dữ dội và một cơn lốc đã cuốn cả đoàn người lên trời rồi giáng hạ xuống ấp Viêm Trang (tức thôn Viêm Xá ngày nay). Vốn nơi đây là một vùng đất hoang vu, cây đước và lau sậy um tùm rậm rạp, Bà đã cho đắp bờ, phá đất, lập nên ruộng đồng, làng xóm và dựng vợ gả chồng cho mọi người. Bên cạnh việc dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía, kéo mật…, bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú nghệ thuật ca hát. Khi mất, Bà được nhân dân tôn là Thủy tổ Quan họ và lập đền thờ, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn.
Theo tục lệ, để chuẩn bị cho ngày lễ hội, nhân dân trong làng chuẩn bị từ sáng ngày mùng 5/2 âm lịch. Ban khánh tiết của làng giao cho ông quan đám chuẩn bị các đồ thờ cúng, đồ lễ. Mở đầu lễ hội là nghi lễ mở cửa đền. Ông quan đám cùng các cụ cao niên trong làng làm lễ để bao sái đồ thờ, bày biện hương hoa, cắm cờ, làm lễ dâng hương.
Chiều ngày mùng 5, ông quan đám mang lễ vật ra làm lễ nhập tịch (lễ bắt đầu mở hội). Sáng ngày mùng 6, dân làng làm lễ tế thần. Sau lễ tế thần là rước ngai thờ, bài vị Vua Bà cùng các đồ thờ quanh làng. Đi đầu là cờ hội, long đình, xà bâu, bát bửu, cờ ngũ hành. Đoàn giữa khiêng kiệu gồm có cờ tứ linh, cờ miều, cờ thánh, cờ lệnh, gươm trường; tiếp theo đoàn bảo vệ lương thực bao gồm ngựa, gươm, gậy…, các cụ cao niên và sau cùng là người dân. Người khiêng ngai nhất thiết phải là những cô gái chưa chồng. Tới đền Cùng, đám rước dừng lại, cụ thượng xuống giếng Ngọc lấy nước, rồi rước nước về đền làm lễ tắm Vua Bà.
Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng được diễn ra với nhiều nhiều trò chơi truyền thống như: đấu vật, cướp cầu, đánh đu, bịt mắt bắt dê… song chủ yếu là các hình thức ca hát Quan họ trên sân khấu ngoài trời, hát dưới thuyền trước cửa đình, cửa đền Vua Bà, đền Cùng, hát canh trong các nhà chứa…
Cùng với dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội làng Diềm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo nên một hệ thống giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần to lớn vào việc bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa độc đáo này./.