(TITC) – Chiều ngày 16/3/2016, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) tổ chức hội thảo công bố tour du lịch “Con đường Hạnh Phúc”.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Theo đó, tour du lịch “Con đường Hạnh Phúc” – đường đến với trái tim của đá gồm 3 bộ sản phẩm du lịch Hà Giang: “Tâm hồn của đá”, “Vàng trong đá” và “Hoa trong đá”.
Tour du lịch này nhằm phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang thông qua khai thác các thắng cảnh đá kỳ vĩ như: Đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng…cùng các trải nghiệm với cây ngô và hoa tam giác mạch.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang đánh giá cao sản phẩm du lịch “Con đường Hạnh Phúc” của STDe đã khai thác được các giá trị văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, con người của miền đất địa đầu Tổ quốc. Ông mong muốn trong thời gian tới các doanh nghiệp du lịch sẽ quan tâm đến sản phẩm du lịch “Con đường Hạnh Phúc” và đưa nhiều du khách đến với Hà Giang để trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc sắc này.
|
Ông Triệu Tài Vinh phát biểu tại buổi hội thảo |
“Con đường Hạnh Phúc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho Quốc lộ 4C dài 185 km từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đường Hạnh Phúc được khởi công ngày 10/9/1959 và hoàn thành ngày 20/3/1965. Con đường được hoàn thành với sự đóng góp công sức to lớn của hàng vạn thanh niên xung phong và dân công thuộc 8 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang (thuộc khu tự trị Việt Bắc trước đây) và hai tỉnh Hải Dương, Nam Định. Để có được con đường Hạnh Phúc lịch sử, 14 thanh niên xung phong đã nằm lại trên những cung đường mùa xuân.
Đường Hạnh Phúc cũng được coi là con đường đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta. Thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất, số ngày công nhiều nhất. Với trên 2 triệu ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, không có sự hỗ trợ của máy móc.
Đến với con đường Hạnh Phúc, những cảnh quan đẹp của cao nguyên đá được mở ra với nhiều cảm xúc bất ngờ và tạo ra sự thăng hoa tuyệt vời cho du khách bốn phương. Hầu hết du khách đều muốn chinh phục cung đường này để được chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của cao nguyên Đá Đồng Văn với đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng và muôn hình vạn trạng những cảnh quan từ đá.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, STDe đã trao tặng tour du lịch “Đường Lâm mùa lúa chín” cho Sở Du lịch Hà Nội, thị xã Sơn Tây và Ban quản lý làng cổ Đường Lâm và tổ chức Lễ ký biên bản hợp tác liên kết đầu tư phát triển tour du lịch “Đường Lâm mùa lúa chín” và “Con đường Hạnh Phúc”.
Tin, ảnh: Thu Thủy