Trong chương trình công tác tại Tây Nguyên, sáng 21/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Đây cũng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất sau đợt khô hạn vừa qua tại Tây Nguyên với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là gần 91.000ha; hàng ngàn gia cầm bị chết do nắng hạn; gần 36.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Nửa đầu năm 2016, mặc dù phải dồn lực đối phó với đợt khô hạn kéo dài, song Đắk Lắk vẫn duy trì phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng GRDP ước đạt 16.524 tỷ đồng, bằng 37.5% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế ước đạt 12,5 triệu đồng/người (theo kế hoạch ước đạt 36,3 triệu đồng trong năm 2016). Đắk Lắk cũng là địa phương có cách làm riêng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Thanh Nghị, Đắk Lắk chủ trương không chạy theo chỉ tiêu mà tập trung xây dựng nông thôn mới thực chất, toàn diện và đồng đều trên địa bàn nông thôn, nhằm đem lại thay đổi tích cực, bền vững cho người nông dân và bộ mặt nông thôn.
Với chủ trương này, mặc dù đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 7 xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng nhiều xã, huyện cơ bản đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng, mang tính bền vững và thực chất, góp phần nâng cao đời sống người dân và đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển ngày càng hiệu quả hơn.
Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh và tình hình thực tế, điều kiện phát triển kinh tế, Đắk Lắk vẫn chủ trương xác định nông nghiệp là chủ đạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Từ chủ trương này, tỉnh ưu tiên tập trung vốn, nguồn lực để đầu tư thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi liền với tái cơ cấu mạnh mẽ theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Nhờ đó, nền sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk phần nào bớt phụ thuộc vào 2 yếu tố thời tiết và giá cả, mùa vụ.
Đối với phát triển công nghiệp, Đắk Lắk thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp theo hướng phục vụ tốt hơn nền sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp năng lượng đi đôi với xúc tiến kinh tế dịch vụ, nhất là du lịch.
Trong số những dự án lớn mà Đắk Lắk đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ phê duyệt, đáng chú ý có dự án xây dựng mô hình Khu Du lịch Quốc gia York Đôn trên cơ sở Vườn Quốc gia York Đôn nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Nếu được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bàn giao nguyên trạng và phối hợp với Đắk Lắk, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện Đề án xây dựng mô hình Khu Du lịch Quốc gia York Đôn trở thành một điểm du lịch quốc gia, khởi điểm cho một mũi nhọn kinh tế du lịch của Đắk Lắk trong thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội Đắk Lắk sáu tháng qua trong điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Lắk đã bám sát các chủ trương, chính sách của trung ương, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả đáng mừng nhất là các chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân vùng bị hạn hán. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh duy trì tình tốt tình đoàn kết, chung sức xây dựng và phát triển địa phương.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đắk Lắk thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về khôi phục, phát triển rừng và tại hội nghị giao ban của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh Tây Nguyên và kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh gần đây.
Đánh giá cao quyết tâm của Đắk Lắk nhằm xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung làm tốt hơn nữa việc xử lý vấn đề đất sản xuất; đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân; ngăn chặn hiệu quả hơn nữa tình trạng phá rừng; không khuyến khích và hạn chế tình trạng di dân tự do đang gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng trên địa bàn.
Gợi ý một số nội dung trong phát triển kinh tế địa phương, Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk thực hiện tái cơ cấu kinh tế rõ nét và thực chất hơn nữa với quan điểm chủ đạo là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chú trọng hơn nữa việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm, thương hiệu nông sản nổi tiếng, giá trị kinh tế cao của tỉnh, song song với công tác tiếp cận, mở rộng thị trường.
Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk rà soát lại quỹ đất, có cơ chế phân bổ đất sản xuất, đất canh tác hợp lý, đảm bảo cho bà con đều có đất canh tác, phát triển kinh tế tư nhân, hộ gia đình, nâng cao đời sống.
Để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Đắk Lắk làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là trên một địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, đa tôn giáo cùng sinh sống. Đắk Lắk cũng cần làm tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; đề cao tinh thần khởi nghiệp và không ngừng nâng cao chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần các Nghị quyết 19/CP và Nghị quyết 35/CP của Chính phủ.
Đồng ý về nguyên tắc đối với đề xuất xây dựng Khu Du lịch Quốc gia York Đôn trên cơ sở Vườn quốc gia York Đôn hiện nay, song Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và tỉnh Đắk Lắk cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo tốt hệ thống sinh thái, môi trường của Vườn quốc gia York Đôn, xây dựng địa điểm này trở thành trung tâm đào tạo, biểu diễn, gìn giữ và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tây Nguyên trong tương lai.