Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh dành cho du khách của các thị trường khác nhau.
Cụ thể, thị trường ASEAN với sản phẩm dịch vụ du lịch di sản thế giới, trải nghiệm về văn hóa, đời sống địa phương, sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kện (MICE), chơi golf, nghỉ dưỡng, các sản phẩm du lịch gắn với các điểm du lịch khác trên tuyến hành lang Đông-Tây.
Thị trường Nhật Bản với các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cho người già, du lịch MICE.
Thị trường Hàn Quốc với các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, lịch sử, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe...
Ngoài ra còn thị trường khách Trung Quốc, thị trường Nga, thị trường Australia và New Zealand, thị trường Tây Âu, thị trường Bắc Âu, thị trường Bắc Mỹ, thị trường khách trong nước đến Hà Nội, thị trường khách tại Hà Nội....
Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức các hoạt động liên kết các nhóm doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng các chuỗi sản phẩm phục vụ từng thị trường khách du lịch đến Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh.
Với trên 21,8 triệu lượt khách du lịch năm 2016 (khách quốc tế là 4 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội đạt trên 62.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.
Mặc dù vậy, tổng thu từ khách du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của một trung tâm du lịch quốc gia và khu vực.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành du lịch Hà Nội dự kiến mức tăng tổng thu từ khách du lịch từ 15 - 17%/năm, cao hơn mức quy hoạch du lịch xác định là 12,63%, phấn đấu đạt mục tiêu 110.000 - 120.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Riêng năm 2017, thành phố đặt chỉ tiêu đón 23,39 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế là 4,08 triệu lượt) và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 66.000 tỷ đồng.