Ngày 26/2, tại Không gian văn hóa Trà (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Nguyên tổ chức Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương”.
Lễ hội nhằm tôn vinh cây chè và quảng bá, giới thiệu về thế mạnh, giá trị của chè đặc sản Tân Cương với du khách trong và ngoài nước.
Khai mạc lễ hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết, thành phố có 1.200 ha chè với nguồn thu bình quân đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Riêng vùng chè đặc sản Tân Cương đạt tới 600-800 triệu đồng/ha.
Những năm qua, thành phố Thái Nguyên đã hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất chè, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung, gắn công nghiệp chế biến với các sản phẩm trà nổi tiếng của địa phương; hỗ trợ kinh phí mua máy móc phục vụ chế biến, phun tưới chè; khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn… Nhờ đó, các sản phẩm chè của địa phương ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng lên.
Theo bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương), Lễ hội “Hương sắc Trà xuân” là sản phẩm văn hóa kết tinh giá trị truyền thống với hiện đại của nhân dân vùng chè đặc sản Tân Cương.
Lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như thi rước cây chè cổ, thi sao chè, vò chè bằng phương pháp thủ công...
Từ lễ hội này, người dân có thể quảng bá thương hiệu chè Tân Cương, lưu giữ bản sắc văn hóa trà, quảng bá phát triển du lịch cộng đồng ở vùng chè mà địa phương đang xây dựng, giới thiệu sản phẩm chè đến với du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Dự lễ hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” là một hoạt động văn hóa đặc sắc gắn với du lịch và sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Theo Bộ trưởng, chè Thái nổi tiếng cả nước và trên thế giới. Tân Cương là một vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt để phát triển cây chè. Các cấp, các ngành, địa phương và người làm chè cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đưa sản phẩm chè có bước phát triển theo xu thế nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi từ sản xuất đến thị trường./.