Festival Huế lần thứ 10 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển-Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27/4-2/5/2018.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2018 cho biết Festival Huế lần thứ 10 năm 2018 là sự kế thừa và khẳng định thành công của các kỳ lễ hội trước đây.
Festival là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên-Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đến nay, Festival Huế 2018 thu hút các đoàn nghệ thuật của 21 quốc gia như: Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Cuba... cùng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước, hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.
Festival Huế 2018 gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên-Huế và đất nước như: Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018), 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018), 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).
Điểm nhấn là Huế có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế; đồng thời có hai Di sản phi vật thể cấp quốc gia là ca Huế và dệt Dèng (A Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu tới công chúng và bạn bè quốc tế. Chính việc quảng bá hình ảnh “Huế-1 điểm đến 5 di sản” đã tạo nên nét mới trong Festival Huế 2018.
Năm nay, tại không gian của Đại nội về đêm, chương trình sân khấu hóa với tên gọi “Văn hiến kinh kỳ” được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu. Những sự kiện diễn ra tại Festival Huế 2018 sẽ tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, chương trình sân khấu hóa với tên gọi “Văn hiến kinh kỳ” triển khai trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện liên quan để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Các tiết mục và các chương được kết nối với nhau bằng thủ pháp đồng hiện, làm bật lên chủ đề di sản được khai mở, phát triển theo lịch sử. Đây sẽ là điểm nhấn thú vị và ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018.
Trong khuôn khổ Festival Huế 2018 còn có Liên hoan Hát văn, hát chầu văn toàn quốc, từ 26/4 đến 28/4/2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức; chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo Thừa Thiên-Huế; chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn...
Bên cạnh đó còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, chương trình xã hội hóa, hoạt động văn hóa cộng đồng như: Festival Khoa học lần thứ 5 (do Đại học Y Dược Huế tổ chức); Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Hội chợ “Thương mại quốc tế Festival Huế 2018”; Lễ hội “Hương xưa làng Cổ” (tại làng cổ Phước Tích-huyện Phong Điền); Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” (tại huyện Quảng Điền); Festival Thơ Huế...
Ban tổ chức Festival Huế 2018 cũng vừa công bố giá vé cho một số chương trình như sau: Chương trình khai mạc Festival Huế 2018 có giá vé 200.000 đồng; chương trình nghệ thuật tại Đại Nội (ngày 29/4 và ngày 1/5) có giá vé 100.000 đồng/lượt; giá vé chương trình bế mạc Festival Huế 2018 là 150.000 đồng; vé dự yến tiệc Hoàng cung là 1.900.000 đồng.../.